TIN VUI

Tuần san Bạn trẻ Công Giáo  -  Số 75 CN 04.03.2007

 

Web site:www.tinvui.org E-mail : bantreconggiao@yahoo.com

Hoặc : tinvuivietnam@gmail.com

 

MỤC LỤC

 

Chúa Nhật II Mùa Chay C..

LÊN NÚI GẶP CHÚA..

MÙA CHAY TRONG TÌNH HÌNH MỚI.

Phỏng vấn Đức Cha Bruno Forte, Tổng Giám Mục Chieti-Vasto, thần học gia, về dự luật liên quan tới các cặp chung sống.

THƯ MỤC TỬ MÙA CHAY 2007 CỦA ĐỨC HỒNG Y GIOAN BAOTIXITA PHẠM MINH MẪN..

Lễ đặt viên đá Xây Dựng Thêm Cơ Sở Tĩnh Tâm Tòa Giám Mục Phan Thiết.

CHUYỆN TÌNH THẬP GIÁ..

Về bài báo vu khống và phỉ báng cha Đắc Lộ.

PHẢN HỒI BÀI VIẾT  "ĐI TÌM NGUỒN GỐC CHỮ QUỐC NGỮ"  CỦA GS TS PHẠM VĂN HƯỜNG  

Lau tấm kính cửa sổ tâm hồn.

GƯƠNG BÀ MẸ HY SINH TRANH ĐẤU CHO ĐỨA CON TÀN TẬT..

MỘT CÁI MIỆNG HAI LỖ TAI.

VỤN VẶT SUY TƯ    PHÁ DỄ NHƯ CHƠI.

 

 

SỐNG LỜI CHÚA

Chúa Nhật II Mùa Chay C

 

Lc 9, 28b-36

"Đang khi cầu nguyện, diện mạo Người biến đổi khác thường".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê và Gioan lên núi cầu nguyện. Và đang khi cầu nguyện, diện mạo Người biến đổi khác thường và áo Người trở nên trắng tinh sáng láng. Bỗng có hai vị đàm đạo với Người, đó là Môsê và Êlia, hiện đến uy nghi, và nói về sự chết của Người sẽ thực hiện tại Giêrusalem. Phêrô và hai bạn ông đang ngủ mê, chợt tỉnh dậy, thấy vinh quang của Chúa và hai vị đang đứng với Người. Lúc hai vị từ biệt Chúa, Phêrô thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm; chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia". Khi nói thế, Phêrô không rõ mình nói gì. Lúc ông còn đang nói, thì một đám mây bao phủ các Ngài và thấy các ngài biến vào trong đám mây, các môn đệ đều kinh hoàng. Bấy giờ từ đám mây có tiếng phán rằng: "Đây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người". Và khi tiếng đang phán ra, thì chỉ thấy còn mình Chúa Giêsu. Suốt thời gian đó, các môn đệ giữ kín không nói với ai những điều mình đã chứng kiến.  Đó là lời Chúa.

 

 

LÊN NÚI GẶP CHÚA

 

 

Vào sa mạc để bị cám dỗ nghe có vẻ chông chênh và cũng khá cheo leo, dù với ước muốn rất đạo đức là mong được Thiên Chúa quyến rũ. Có lẽ lên núi cao để gặp Chúa thì nhẹ nhàng và thanh thoát hơn nhiều.

 

Vâng đúng thế, ba môn đệ thân tín được Chúa đưa lên ngọn núi cao để biết và thấy Ngài như Ngài là, đã ngây ngất và thảng thốt : “ Lạy Thầy, chúng tôi được ở đây thì tốt lắm “

 

Chúa của mình hôm nay khác quá , vẫn giọng nói và con người ấy, nhưng lúc này nghe sao uy nghiêm và trông rực rỡ hoành tráng đến rợn lòng.

 

Ấn tượng khó phai mờ này sẽ còn mãi trong tim, để mỗi khi ngờ vực và xao xuyến thương đau, cũng đủ loé sáng hầu vững bước trong đêm tối của đức tin.

 

Núi cao vẫn thường được quan niệm là nơi trú ngụ của thần thánh. Êlia lên núi  Horep để thấy Chúa thần hiển ; Môsê được hiệu triệu lên núi Sinai để gặp Giavê ; Còn ở đỉnh Tabor, Phêrô, Giacôbê và Goan đã thật sự nhìn thấy Thiên Chúa nơi Đức Giêsu.

 

Ngày nay, mỗi nhà thờ, nhà nguyện dù nguy nga tráng lệ hay đơn sơ nhỏ bé, cũng đều là hình ảnh biểu trưng cho núi nhà Chúa,  vì là nơi Chúa ngự và Ngài vui thích ở giữa dân người.

 

Muốn gặp Chúa hôm nay, không cần phải nhọc công cất bước lên đỉnh Tao Phùng, hay ở núi Saint Michel, mà chỉ cấn đến ngôi nguyện đường giáo xứ hay của cộng đoàn dòng tu nào đó, chúng ta sẽ được gặp thấy Ngài. Âm thầm mà sâu lắng, mờ ảo nhưng lại rạng ngời. Chính ở những nơi đó, bao tâm hồn đã trút hết gánh nặng phiền muộn và nếm cảm được sự ngọt ngào của tình yêu Thiên Chúa. Họ đã lấy lại niềm tin và hi vọng cho cuộc sống tuy còn đậm nét thương đau với ý thức có Chúa cùng đồng hành và chia sẻ. Họ như thấm đậm lời ân tình của Chúa : “ Hỡi những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Tôi, Tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng’ ( Mt 11, 28). Đồng thời họ cũng cảm nghiệm một cách sâu sắc và hiện thực tâm tình của Thánh Phêrô : ‘ Hãy nếm thử và hãy nhìn coi,  cho biết Chúa thiện hảo nhường bao” ( 1 Pr 2, 3), để rồi từ đó : “ Mọi lo âu, anh  em hãy trút cả cho Chúa” ( 1Pr 5, 7).

 

Tuy dù đã nhiều lần cảm nghiệm và gặp được Chúa, lòng ta vẫn không ngừng khắc khoải và kiếm tìm Ngài. Bởi lẽ Ngài luôn là ‘ Thiên Chúa lớn hơn “ ( Deus simper major).  Lớn hơn những gì tôi đã gặp và đang nắm giữ. Hơn nữa, Ngài cũng chính là vị ‘ Thiên Chúa ẩn dấu’ ( Deus absconditus) Ngài ẩn dấu ngay cả  đàng sau những gì đang thực sự  là chính Ngài.

 

Thật vậy, Đức Giêsu là Chúa hằng ngày vẫn sinh hoạt đời thường rất gần gũi với các môn đệ và thi thoảng Người thực hiện các dấu lạ để hé lộ cho các ông biết thần tính của Ngài. Nhưng lòng các ông vẫn luôn mờ tối và thường bối rối tự hỏi : ‘ Người này là ai ? ” ( Who is Who?) . Ngay cả trong lần gặp gỡ kỳ diệu trên núi thánh này, ít ra, ba đệ tử ruột của Chúa đã thật sự thấy và biết đích xác về chân tướng của sư phụ mình. Nhưng khi va chạm với thực tế, các ông dường như không còn thấy “ Chúa’  nơi “ Ông Giêsu” nữa.

 

Không chỉ cái dáng vẻ dày đặc bên ngoài của vũ trụ, và tha nhân cố nhiên đã làm mắt chúng ta mờ mit đến không nhận ra sự hiện diện của Ngài, dù tâm trí vẫn luôn ý thức rất rõ về điều ấy. Nhung ngay cả những lúc cùng nhau bẻ bánh và chạm đến thịt máu Ngài tại nơi nhà Chúa, mắt tôi mở ra như cố để thấy Ngài  giống như hai môn đệ làng Emmau, nhưng Ngài vẫn luôn là vị Thiên Chúa ẩn dấu, Ngài có đó rồi tức thời  Ngài lại biến mất. Nhưng vẫn luôn thực hơn bao giờ cả vì chính Chúa đó, Ngài đang hiện diện nơi hình bánh ấy, và đang gõ cửa lòng tôi. Cảm nghiệm  “Thiên Chúa luôn lớn hơn và ẩu dấu” này giúp tôi sống  đầy tin tưởng,  nhiều hi vọng và rất lạc quan điều mà  Bonhaeffer đã viết ; ‘Trước mặt Chúa và cùng với Chúa,  chúng ta sống như thể là  không có Chúa ‘ ( Devant Dieu et avec Dieu , nous vivons  sans Dieu).

 

Lm. Phaolô Dương Công Hổ

 

TU ĐỨC

MÙA CHAY TRONG TÌNH HÌNH MỚI

Đất Nước Việt nam đang có những chuyển biến mạnh và mau. Những ngày tết Đinh Hợi vừa qua cho thấy một sự phân hoá giàu nghèo rất rõ. Đạo đức cũng chuyển biến theo chủ nghĩa tiêu thụ. Một lương tâm mới đang dần dần thay thế cho lương tâm truyền thống biết sợ bất cứ sự gì là tội.

Mùa Chay đã đến trong tình hình này. Mùa Chay nhắm mục đích đón nhận ơn cứu độ. Đón nhận bằng sự thành thực sám hối và trở về đàng lành.

Với ý thức như vậy, tôi xin chia sẻ mấy việc tôi thiết nghĩ là có thể giúp nhau sống mùa Chay này một cách hữu ích.

1/ Đừng vô cảm trước những mất mát coi như bình thường của xã hội và Giáo Hội

Không gì nguy hiểm trên đường đạo đức bằng lương tâm trở nên chai đá. Thường lương tâm trở nên chai cứng không một cách đột ngột. Nhưng nó biến đổi dần dần. Bắt đầu thì chai. Nếu không sửa, nó sẽ cứng. Cứng lâu, cứng thêm, nó sẽ thành đá. Một khi đã thành đá, thì mọi lời khuyên, mọi gương sáng, mọi biến cố xảy ra trên đời sẽ rất khó lay chuyển được lương tâm. Lúc ấy việc ăn năn trở lại là vấn đề cực kỳ khó khăn.

Những kinh nghiệm như thế đã và đang xảy ra chồng chất.

Vì thế, xin hãy tỉnh thức gìn giữ lương tâm mình. Sao cho nó biết luôn nhạy cảm.

Cũng may là một số lương tâm còn biết rung động trước những đớn đau lớn và mất mát lớn xảy ra đó đây. Nhưng rất nhiều lương tâm xem ra vô cảm trước những đau đớn và mất mát coi như bình thường xảy ra xung quanh mình nơi tha nhân, trong xã hội và Giáo Hội. Xin trình bày một hiện tượng.

Dịp Tết vừa qua, tôi mới thấy rõ ở địa phương tôi có những chuyển biến đáng ngại:

Nhiều người đau xót trước cảnh đó. Nhiều mục tử lo âu cho đoàn chiên và cho Giáo Hội. Bởi vì hiện tượng bỏ đi càng ngày càng vuột khỏi khuôn khổ lãnh đạo và lãnh thổ người mục tử. Lo âu đó là chính đáng. Đau xót đó là dấu chỉ tốt, khi nó phản ánh một đức ái sống động của người mục tử nhân lành.

Thiết tưởng hiện tượng trên đây sẽ còn gây thêm nhiều biến động, ảnh hưởng lớn đến đời sống luân lý nói chung và đời sống đức tin nói riêng.

Rất mong các lương tâm công giáo, đặc biệt là các lương tâm mục tử giàu khả năng nhạy bén sẽ để ý đến những biến động trên đây với tinh thần trách nhiệm cao.

Cùng với hiện tượng “ra đi” trên đây, lương tâm chúng ta cũng rất cần nhạy bén trước tương quan giữa đạo ta với các tôn giáo và dân tộc tại Việt Nam ta.

2/ Đừng tưởng chỉ có những tội ác lớn mới đưa xã hội và Giáo Hội đến tình trạng suy tàn, mà chính những tâm thức sai lầm được đồng thuận đã gây nên những tàn phá ghê gớm

Mọi tín hữu công giáo nói chung và các mục tử công giáo nói riêng chắc còn nhớ một thời xa xưa, công giáo ta rất tự hào. Hầu như mọi người công giáo đều xác tín rằng: Chỉ có đạo mình là duy nhất đúng, duy nhất thánh, duy nhất cứu độ. Từ cái tự hào đó đã nảy sinh ra một tâm thức xa cách các tôn giáo khác. Tâm thức đồng thuận này được gieo trồng và bảo vệ. Rồi xa cách gây nên khoảng cách. Nhiều nơi khoảng cách là môi trường dễ sinh ra xung đột.

Từ lâu nay, tại Việt Nam, những chuyện đó coi như được xếp lại thành quá khứ. Nhưng không nên chủ quan, cho rằng đạo Công giáo tại Việt Nam ta đã thực sự gần lại với các tôn giáo bạn và hội nhập vào nền văn hoá Việt Nam, đồng thời hoàn toàn gắn bó với dân tộc.

Tết vừa qua, ngày nào trên các đài truyền hình cũng đưa những hình ảnh gọi là văn hoá cổ truyền Việt Nam. Nhiều dòng người niệm hương trước các anh hùng dân tộc, trước các người thời xa xưa có công khai phá thiên nhiên và dạy nghề để dân biết làm ăn sinh sống. Nhiều đoàn đi thăm và tặng quà cho các người bệnh tật, cô đơn, nghèo túng.

Đang khi đó, đạo Công giáo nhiều nơi vẫn cố gắng làm chứng cho Đạo bằng các việc từ thiện, tham gia việc chung xã hội và siêng năng lui tới nhà thờ.

Tuy nhiên, nói chung vẫn còn nhiều khoảng cách giữa đạo ta và và các tôn giáo bạn. Thậm chí có nơi vẫn chưa hội nhập được vào nhịp sống của dân tộc một cách hồn nhiên.

Những hiện tượng đó là có thực. Nhiều lương tâm công giáo đã nhận ra. Không thiếu các mục tử đã rất áy náy, khi được đức ái mục tử nhìn những hiện tượng đó là những vấn đề không đơn giản.

3/ Còn một vấn đề khác, mà lương tâm công giáo nói chung và lương tâm mục tử nói riêng rất cần nhạy bén, đó là vấn đề cạnh tranh thời nay

Thời nay, nói đến cạnh tranh là nói đến cạnh tranh về kinh tế, địa vị. Hiện tượng cạnh tranh để hơn người về quyền lực do kinh tế, địa vị là một nhu cầu không thể thiếu trong nền văn minh vật chất, tiêu thụ và hưởng thụ.

Cạnh tranh một cách lành mạnh thì không nói làm gì. Nhưng cạnh tranh bằng những cách không đạo đức là điều đáng phải cảnh giác.

Tại Việt Nam hôm nay, phong trào cạnh tranh không lành mạnh cũng đang xuất hiện trong Đạo ta, trong mọi tầng lớp.

Nếu không tỉnh thức, thì sẽ hình thành hai Giáo Hội: Giáo Hội giàu của người giàu và Giáo Hội nghèo của người nghèo. Khẩu hiệu: “Phục vụ trong yêu thương” vẫn được đề cao. Nhưng trên thực tế, những áp dụng sẽ khác nhau, tuỳ theo giàu nghèo. Phần đông nghĩ rằng: Người này làm, thì người khác cũng làm. Rồi đâu đâu cũng làm. Nhất là khi vấn đề giàu nghèo đã trở thành bình thường: Nghèo thì phải thế, giàu thì được vậy, đâu đâu cũng đối xử theo cung cách đó. Hội Thánh xem ra làm thinh.

Nhưng những lương tâm sống thực chất Phúc Âm sẽ coi đây là một nguy cơ có sức làm hại đạo Chúa một cách chính thức và một cách rất độc hại.

Những điều tôi chia sẻ trên đây là rất chân thành. Với tuổi 80, tôi có một số kinh nghiệm tư riêng, và do đó cũng có một suy nghĩ lo xa cho Giáo Hội Việt Nam. Tôi tha thiết xin Chúa giàu lòng thương xót ban cho các mục tử lửa đức ái của Người. Chỉ với lửa đức ái Chúa Kitô, chúng ta mới dám cùng với Người đi vào sa mạc mùa Chay, để được Chúa thanh tẩy. Và rồi sẽ ra đi làm chứng cho Tin Mừng bằng những từ bỏ mình, vác thánh giá mình mà theo Chúa giữa tình hình văn hoá hôm nay đầy phức tạp đối với đạo đức Phúc Âm.

+GM GB Bùi Tuần

HIỆP THÔNG GIÁO HỘI

Phỏng vấn Đức Cha Bruno Forte, Tổng Giám Mục Chieti-Vasto, thần học gia, về dự luật liên quan tới các cặp chung sống


Trong các tuần qua dự luật liên quan tới các cặp chung sống, do chính quyền của thủ tưởng Romano Prodi đưa ra, đã gây tranh luận sóng gió giữa các đảng phái chính trị, kể cả giữa các đảng tả phái với nhau, và khiến cho Hội Đồng Giám Mục Italia mạnh mẽ lên tiếng phản đối.


Đức Hồng Y Crescenđio Sepe, Tổng Giám Mục Napoli đã gọi các vụ chung sống là hôn nhân giả hiệu. Khi áo quần hay xắc tay giả hiệu mà nói là thật, là chúng ta nói dối và gây thiệt hại cho người khác. Cũng thế người trẻ ngày nay có quyền biết sự chung sống là gì, vì hôn nhân là điều khác với sự sống chung.

Trong trang rời nhật báo Tương Lai - cơ quan ngôn luận chính thức của Hội Đồng Giám Mục Italia - có đăng một bài viết nhấn mạnh sự cần thiết không được sách nhiễu gia đình như là chủ thể đầu tiên của xã hội, bằng cách tránh đưa ra các hình thức kết hiệp khác như sự chung sống giữa các cặp nam nữ và các cặp đồng phái. Các luật lệ chấp nhận các hình thái sống chung như thế trái với các nguyên tắc nền tảng nhân chủng học và luân lý, ghi sâu trong chính bản chất của con người. Với luật về sự chung sống người ta làm suy yếu gia đình dựa trên hôn nhân, làm lu mờ tính chất đặc thù của nó là tính cách duy nhất không thể lập lại được và vai trò xã hội không thể thay thế được của nó. Các lý do khiến chúng tôi chống lại luật sống chung không liên can gì tới lòng tin, nhưng liên quan tới lý trí.


Đức Cha Angelo Bagnasco Tổng Giám Mục Genova thì khẳng định rằng: ”Sự sống và gia đình là những vấn đề nền tảng của con người và của xã hội. Giáo Hội có quyền và có bổn phận can thiệp và lên tiếng về những vấn đề đó. Một gia đình yếu kém thì không thể xây dựng một xã hội mạnh mẽ được. Dự luật mà chính quyền muốn đề ra không chỉ liên quan tới các quyền cá nhân mà còn liên lụy tới chính các nền tảng, mà xã hội phải được xây dựng trên đó”.


Đức Cha Rino Fisichella, viện trưởng Đại Học Giáo Hoàng Laterano, cho rằng dự luật về các cặp chung sống tìm cách loại bỏ các kỳ thị đối với một vài người, nhưng lại trừng phạt những ai có các lựa chọn dấn thân và trung thực hơn. Chúng tôi hoàn toàn chống lại dự luật này, vì nếu được chấp thuận nó sẽ đào thêm một hố sâu giữa quốc hội và đất nước, vì nó thừa nhận cho các cặp chung sống các quyền kế thừa, có thực phẩm và nhà ở, mà theo Hiến Pháp chỉ dành riêng cho các gia đình xây dựng trên hôn nhân truyền thống mà thôi.

Đức Cha Cosmo Francesco Ruppi, Tổng Giám Mục Lecce, nhắc lại rằng không cần phải có một luật mới liên quan tới các cặp sống chung. Sự hữu dụng là một loạt các biện pháp cụ thể trợ giúp gia đình cần được đề ra. Điều quan trọng đối với Đức Thánh Cha và các Giám Mục đó là thiện ích của gia đình và các thế hệ trẻ.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của Đức Cha Bruno Forte, Tổng Giám Mục Chieti-Vasto, thần học gia về dự luật nói trên.


Hỏi: Thưa Đức Cha, Đức Cha nghĩ gì về dự luật ”DICO” liên quan tới sự sống chung của các cặp nam nữ và các cặp đồng phái, mà chính quyền của thủ tướng Romano Prodi đã đưa ra, và sẽ được quốc hội thảo luận trước mùa hè năm nay. Tại sao dự luật đã gây ra sóng gió tranh luận giữa các đảng phái chính trị, và khiến cho Hội Đồng Giám Mục Italia phản đối mạnh mẽ như vậy?


Đáp: Nó là một dự luật liên quan tới tương lai của toàn xã hội Italia. Vì thế nên Giáo Hội phải lên tiếng. Giáo Hội lên tiếng không phải vì mưu toan quyền bính gì, hay chỉ vì sợ không tròn trách nhiệm của mình, mà vì tình yêu thương cấp thiết đối với xã hội. Đó là lý do khiến cho Đức Giáo Hoàng cũng như các Giám Mục Italia đã mạnh mẽ nói ”không” với luật liên quan tới các cặp sống chung. Nhưng tiếng ”không” đó của Giáo Hội bao gồm nhiều tiếng ”có” đối với tương lai, đối với người trẻ, và đối với gia đình như là cộng đoàn làm nảy sinh ra sự sống và nền giáo dục, như Đức Thánh Cha đã nhắc đến nhiều lần trong các diễn văn của người.


Hỏi: Thưa Đức Cha, hôm 12 tháng 2 vừa qua, trong buổi tiếp kiến 200 luật gia tham dự hội nghị quốc tế về ”luật tự nhiên”, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã tái khẳng định rằng: ”Không luật lệ phàm nhân nào có thể thay thế luật của Thiên Chúa, và ”làm suy yếu gia đình có nghĩa là làm thương tổn cho xã hội”. Luật tự nhiên Thiên Chúa khắc ghi trong lương tri và tâm lòng con người là luật không thể đụng chạm tới được, có đúng vậy không thưa Đức Cha?


Đáp: Đúng thế. Tôi nghĩ rằng các can thiệp đó của Đức Thánh Cha soi sáng cho mọi người. Vì các lời ”có” của Giáo Hội có chiều kích tôn giáo sâu xa: đó là vâng theo chương trình của Thiên Chúa. Các lời ”có” ấy cũng có một sức mạnh nội tại của chúng, sức mạnh trên bình diện nhân chủng học. Vì thế chúng cũng có thể được chia sẻ bởi những người không có các thành kiến, dù họ không tin nơi Thiên Chúa, nhưng suy tư về thực tại của con người. Khi Đức Thánh Cha nói tới ”luật lệ tự nhiên” là người nhắc cho biết có một thứ văn phạm được viết sâu trong tâm lòng con người, như là bản vị có các tương quan. Văn phạm đó có thể được nhận biết bởi người nhìn thực tại cuộc sống con người với đôi mắt lòng tin, cũng như bởi người không có lòng tin, nhưng cảm thấy sự cần thiết có các điểm tham chiếu đối với sự sống chung dựa trên các giá trị được chia sẻ.


Hỏi: Điều gì sẽ xảy ra khi văn phạm này không được biết tới hay bị lèo lái, thưa Đức Cha?


Đáp: Tôi tin rằng nó liên quan tới tương lai của chúng ta, chính vì chúng ta có thể đứng trước một phản ứng dây chuyền không thể thấy trước được hậu quả của nó. Nhưng điều mà chúng ta có thể thấy trước ngay từ bây gìơ, đó là dự luật liên quan tới sự chung sống là một yếu tố gây ra bất ổn đối với vị thế trung tâm của gia đình, nghĩa là yếu tố tạo ra sự hiệp nhất xã hội, mà các người cha soạn thảo ra Hiến pháp Italia cách đây 60 năm, đã lựa chọn. Như thế, khi lấy đi một trong các cột trụ nâng đỡ ngôi nhà, thì ngôi nhà đó có nhiều nguy cơ bị sập.


Hỏi: Thế mà tại sao lại có người cho rằng trong lãnh vực này Giáo Hội không có quyền can thiệp, thưa Đức Cha?

Đáp: Liên quan tới điểm này cần phải hiểu nhau một cách rõ ràng. Như là các chủ chăn chúng tôi không muốn thay thế các chính trị gia, lại càng không muốn đưa ra các chỉ dẫn trong các lãnh vực không thuộc thẩm quyền của chúng tôi. Nhưng chúng tôi có bổn phận phải nói, và không ai có thể cấm chúng tôi làm điều đó. Chúng tôi có bổn phận lên tiếng về những vấn đề, mà chúng tôi thấy là thiện ích của xã hội và cho con người thời đại ngày nay.


Chính tình yêu thương cấp thiết đối với con người thúc đẩy chúng tôi lên tiếng. Nó không phải là một tính toán quyền bính cũng không phải là ý muốn không thiếu sót bổn phận, mà là sự cấp thiết của tình yêu thương nhằm phục vụ hiện tại và tương lai của dân tộc và các thế hệ tương lai của đất nước Italia này.

Hỏi: Như thế đâu là vấn đề nòng cốt trong lãnh vực này thưa Đức Cha?


Đáp: Vấn đề nòng cốt liên quan tới kiểu quan niệm tương lai của chúng ta. Khi Hiến Pháp đã thừa nhận vai trò nòng cốt của gia đình, thì đó không phải là điều hời hợt mau qua, mà nó diễn tả một nền luân lý đạo đức được chia sẻ và dựa trên đó để xây dựng toàn cuộc sống quốc gia. Một nền dân chủ không hiện hữu, nếu không có các giá trị được chia sẻ và không thể thương lượng được. Giá trị của sự sống, của con người, của tình liên đới, của tinh thần trách nhiệm, tất cả đều là các yếu tố tìm thấy nơi gia đình điểm tựa không thể thay thế được. Vì thế chúng tôi mới tự hỏi: dự luật do chính quyền đang chuẩn bị phù hợp với các điếu luật của Hiến Pháp cho tới mức nào? Một gương mặt dựa trên các nhân tố gia đình, nghĩa là trên cộng đoàn sự sống, việc giáo dục, tình yêu thương, trong sự hỗ tương giữa các vai trò của cha mẹ và các liên hệ thân thuộc, hay chỉ là một cộng đoàn trong đó nhân tố này chỉ là một trong biết bao nhiêu nhân tố thay đổi khác tạo ra một quần đảo các điểm tham chiếu? Tôi thấy đây là câu hỏi, mà chúng tôi phải đưa ra trước dự luật liên quan tới các cặp sống chung này.


Hỏi: Thưa Đức Cha đây là câu hỏi, mà chỉ có các Giám Mục mới đặt ra, hay còn có những ai khác nữa?

 

Đáp: Không, đây là câu hỏi có biết bao nhiêu người và biết bao nhiêu gia đình nêu lên, như tôi đã có dịp quan sát trong cuộc sống thường ngày, khi chu toàn nhiệm vụ chủ chăn của tôi. Điều thực sự cấp thiết trong đất nước Italia này: đó là một hành động yểm trợ gia đình. Chẳng hạn tôi nghĩ tới số sinh. Tại Pháp chính quyền khuyến khích sinh con và trợ giúp các bà mẹ và các gia đình, và đường lối chính trị này đã gặt hái nhiều kết qủa tốt. Trong khi tại Italia số sinh qúa thấp hay không sinh con, đang là một thách đố rất nghiêm trọng, mà không thể lấy luật cho phép chung sống mà giải quyết được. Thế rồi còn có vấn đề công ăn việc làm, nhà ở cho các cặp vợ chồng trẻ, cho người già, việc trợ giúp tài chánh để cho họ có thể sống cho tới cuối tháng. Tóm lại, có vấn đề ưu tiên cho các nhu cầu cấp thiết nhất. Cũng như trong mọi gia đình, khi phải hoạch định chương trình cho tương lai, cần phải nhận ra các ưu tiên, và tôi tin rằng ưu tiên trong xã hội Italia ngày nay là gia đình. Và điều khiến cho người ta thất vọng đó là thay vì can thiệp để trợ giúp và thăng tiến gia đình, thì chính quyền lại can thiệp để hợp thức hóa các cặp sống chung. Trước tình trạng này, chúng tôi cảm thấy bị khuấy động một cách sâu xa. Và tình trạng bị khuấy động của chúng tôi cũng là tình trạng bị khuấy động của người dân muốn trông thấy các luật lệ công bằng cho các vấn đề cấp bách của tất cả mọi người, chứ không phải là các luật lệ làm cảnh bị lèo lái bởi các đảng phái chính trị, hay các luật lệ tồi bại nhằm giải quyết các quyền cần được giải quyết với nhiều thận trọng và không hàm hồ hay gây lẫn lộn nguy hại cho tất cả mọi người.

 

(Avvenire 13-2-2007)


Linh Tiến Khải

THƯ MỤC TỬ MÙA CHAY 2007 CỦA ĐỨC HỒNG Y GIOAN BAOTIXITA PHẠM MINH MẪN

 

Kính gởi : Anh em linh mục,

Anh chị em tu sĩ,

Giáo dân thuộc gia đình Giáo phận TP. HCM

 

Nhằm mục đích hướng dẫn và củng cố đời sống đức tin của cộng đoàn Dân Chúa tại Việt Nam trong năm 2007, Hội Động Giám mục Việt Nam đã gửi đến chúng ta Thư Mục Vụ 2006 và đưa ra những định hướng cụ thể cho việc sống đạo. Những định hướng này cần được học hỏi, khai triển và thực hành trong suốt năm 2007. Cách riêng trong mùa Chay này, tôi xin anh chị em quan tâm đặc biệt đến vai trò của gia đình trong việc giáo dục đức tin và đào tạo những Kitô hữu trưởng thành, cũng như trong việc vun trồng ơn thiên triệu.

 

1.                  Gia đình, mái trường đào tạo các Kitô hữu trưởng thành.

 

Để sống đạo trong bối cảnh xã hội ngày nay, các giám mục Việt Nam thúc giục mỗi tín hữu phải ý thức về phẩm giá đích thực của mình là hình ảnh của Thiên Chúa, phải có một lương tâm ngay chính, phải nêu cao tinh thần liên đới và yêu thương phục vụ, và phải góp phần xây dựng một xã hội trung thực và công bằng. Tất cả những gợi ý trên đây đều hết sức cần thiết, thế nhưng những gợi ý này chỉ có thể trở thành hiện thực nếu mỗi gia đình tích cực góp phần vì gia đình chính là “ mái trường đầu tiên và quan trọng nhất  trong việc giáo dục những đức tính nhân bản như lòng đạo cho con người”( TMV số 2 ). Chính trong cuộc sống hằng ngày của gia đình mà chúng ta học tập, cảm nhận và kinh nghiệm được những bài học căn bản về tình yêu thương và tinh thần cầu nguyện và niềm tin tưởng phó thác nơi Chúa yêu thương vô biên. Do đó gia đình đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc sống đạo. Giáo hội chỉ có thể chu toàn  sứ mạng rao giảng Tin mừng và xây dựng Nước Trời nếu có sự tham gia tích cực của mỗi gia đình là Giáo hội tại gia, là tế bào của xã hội.

 

Ngoài ra, gia đình còn là thành trì vững chắc bảo vệ con cái trước làn song tấn công của nền văn hoá sự chết đang tràn lan khắp nơi và huỷ hoại cuộc sống của biết bao người trẻ. Trong thập niên vừa qua, đời sống kinh tế của đất nước đã phát triển cách đáng kể, thế nhưng sự phát triển này lại thiếu tính đồng đều, thiếu tính toàn diện và vững bền; do đó dẫn đến nhiều hệ quả tiêu cực như sự phân hoá giàu nghèo, suy thoái đạo đức, khuynh hướng cá nhân hưởng thụ ích kỷ và biết bao tệ nạn trong xã hội. Hơn bao giờ hết, gia đình phải là thành trì và tường luỹ vững chắc bảo vệ mọi thành viên, nhất là con cái, chống lại sự tàn phá của cái ác và cái xấu đang hoành hành trong  xã hội. Và chúng ta sẽ làm được điều đó khi mọi người trong gia đình trung thành cầu nguyện chung với nhau, thánh hoá ngày Chúa nhật, lấy lời Chúa làm ánh sáng hướng dẫn mọi quyết định trong gia đình, duy trì bầu khí trên thuận dưới hoà và nhường nhịn lẫn nhau.

 

2.                  Gia đình, vườn ươm hạt giống ơn gọi.

 

Trong lá thư này, tôi còn muốn nhấn mạnh với anh chị em về tầm quan trọng của gia đình trong việc vun trồng ơn thiên triệu. Chúng ta phải tạ ơn Chúa rất nhiều vì trong khi nhiều Giáo hội địa phương đang cạn kiệt về ơn gọi linh mục tu sĩ, thì Giao hội Việt Nam vẫn được hưởng một mùa gặt bội thu, trong nước cũng như tại các cộng đồng Công giáo Việt Nam hải ngoại. Trong những chuyến viêng thăm các cộng đồng Công Giáo Việt Nam hải ngoại, các giám mục điạ phương thường nói với tôi rằng  cac ngài hết lòng cảm ơn Giáo Hội Việt Nam đã cống hiến cho giáo phận của các ngài nhiều gia đình tín hữu sống đức tin vững vàng, nhiều linh mục và tu sĩ đang góp phần tích cực vào công việc mục vụ cũng như làm chứng cho Tin mừng và đức tin tại đó. Được như thế phần lớn là nhờ đời sống các gia đình Việt Nam vẫn còn giữ được nề nếp gia phong, và trở thành thửa đất màu mỡ làm cho hạt giống ơn gọi được phát triển và sinh hoa kết quả dồi dào. Vì thế, cùng với tâm tình tạ ơn Chúa, tôi chân thành cảm ơn  tất cả  các gia đình tín hữu Việt nam, đặc biệt các gia đình đã góp phần vào việc vun trồng ơn gọi linh mục và tu sĩ, đã quảng đại cống hiến những người con làm thợ trong vườn nho của Chúa.

 

3.                  Hướng đến việc  đào tạo các linh mục tương lai.

 

Cũng trong mối quan tâm đến việc vun trồng ơn gọi, tôi muốn chia sẻ với anh chị em về  định hướng mới của Giáo phận chúng ta trong việc đào tạo chủng sinh. Như anh chị em biết, kể từ sau năm 1975, chúng ta không còn Tiểu chủng viện nữa. Giáo phận đã cố gắng thay thế những năm đào tạo tại Tiểu chủng viện bằng cách mở ra những lớp dự tu dành cho các bạn trẻ tha thiết dâng mình cho Chúa, trước khi được tuyển vào Đại chủng viện. Tuy nhiên, sau nhiều năm áp dụng, kinh nghiệm cho thấy những lớp dự tu không thay thế  hoàn toàn việc đào tạo tại Tiểu chủng viện. Vì thế, sau khi cầu nguyện và bàn hỏi với những vị hữu trách, tôi quyết định kể từ năm 2007 này, các bạn trẻ muốn cống hiến cuộc đời mình để phụng sự Chúa yêu thương cứu độ, phải trải qua những lớp dự tu và một năm dự bị trước khi được chính thức nhận vào lớp Triết học và Thần học của  Đại chủng viện. Năm dự bị này sẽ giúp các ứng sinh đặt nền móng cho đời sống nhân bản, đời sống cộng đoàn, đời sống thiêng liêng  cũng như khả năng làm việc trí thức và mục vụ. Đó là những điều kiện thiết yếu cho hành trình ơn gọi linh mục lâu dài, cũng như cho việc dấn thân phục vụ Tin mừng và sự sống cùng phẩm giá con người.

 

Để việc đào tạo linh mục tương lai được chu đáo hơn và đạt kết quả mong muốn, giáo phận cần tiến hành xây dựng một cơ sở mới cho lớp dự bị bên cạnh Đại chủng viện và Trung tâm mục vụ Giáo phận. Công trình này chỉ có thể hoàn thành nhờ sự đóng góp của mỗi gia đình trong giáo phận. Do đó tôi tha thiết xin các gia đình hãy giảm bớt một phần chi tiêu trong mùa Chay thánh này để cùng nhau xây dựng ngôi nhà mới cho các chủng sinh dự bị. Sự hy sinh của anh chị em vừa thể hiện tinh thần chay tịnh của màu Chay, vừa góp phần thiết thực và cụ thể vào việc đào tạo các mục tử như lòng Chúa mong ước và dân Chúa ước mong.

 

Nhờ lời chuyển cầu của các Thánh tử vì đạo tại Việt Nam, là những bậc tiền bối đã chia sẻ trọn vẹn cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, nguyện xin Thiên Chúa Ngôi Ba tuôn đổ muôn phúc lành xuống trên các gia đình và tất cả anh chị em.

 

Toà TGM/ TPHCM.

Thứ Tư Lễ Tro 2007

 

GB . Phạm Minh Mẫn

Hồng Y Tổng Giám mục

 

 

Lễ đặt viên đá Xây Dựng Thêm Cơ Sở Tĩnh Tâm Tòa Giám Mục Phan Thiết.


Phan Thiết, Việt Nam (22/02/2007) - Hôm ngày Mồng 6 Tết Ðinh hợi, nhằm ngày 22 tháng 2 năm 2007, Lễ Kính Tông Tòa Thánh Phêrô Tông Ðồ, Giáo phận Phan thiết tổ chức Lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng thêm cơ sở Toà Giám mục. Công trình bao gồm nhiều hạng mục như: nhà hưu dưỡng các cha, nhà tĩnh tâm, các văn phòng mục vụ...


Khuôn viên đất 4000m2 sau Toà Giám mục do chính quyền giao lại cuối năm 2006 nay đã xây tường thành bao quanh, mặt bằng thoáng rộng, cơ sở mới sẽ được xây cất trên phần đất này.

 

Ðức Cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan, Giám mục Phan thiết, chủ toạ thánh lễ. Cùng đồng tế có Ðức Ông J.b Lê Xuân Hoa, Tổng đại diện, các cha hạt trưởng và các linh mục trong giáo phận. Ngày đầu năm mới nên có đông đảo các chủng sinh, tu sĩ nam nữ trong giáo phận đã tề tựu về nhà chung. Ðại diện các đoàn thể, hội đồng mục vụ giáo phận giáo hạt giáo xứ và quý khách mời đã đến tham dự thánh lễ hiệp lời cầu nguyện cho giáo phận và cho công trình được khởi sự và hoàn thành tốt đẹp.


Ðặc biệt có sự hiên hiện diện của Ðức Cha Nicolas Huỳnh Văn Nghi. Hôm nay trông ngài khoẻ hơn mọi ngày. Bước vào tuổi tám mươi, sức khoẻ sa sút, thân thể hao gầy qua năm tháng, nhưng ngài vẫn luôn đồng hành với giáo phận trong mọi sự kiện. Lời cầu nguyện của ngài góp phần làm nên những thành quả ngoạn mục của giáo phận trong mấy năm qua.


Ðúng 9 giờ, đoàn đồng tế từ sân Toà Giám Mục tiến ra lễ đài. Ca đoàn Chủng sinh - Nữ Tu Mến Thánh Giá Phan thiết cất cao bài ca Nhập lễ.


- Mở đầu thánh lễ, Ðức Cha Phaolô ngỏ lời với cộng đoàn:

 

Kính thưa quí Cha, quí tu sĩ Nam Nữ Quí ân nhân và anh chị em thân mến,

 

Do hồng ân Thiên Chúa và lời cầu bầu của Ðức Mẹ, Mẹ Thiên Chúa, bổn mạng của Giáo Phận, hôm nay chúng ta cử hành lễ đặt viên đá xây dựng thêm cơ sở mới để đáp ứng những nhu cầu mục vụ của Giáo Phận. Trước hết chúng ta tạ ơn Chúa đã tạo mọi điều kiện thuận lời từ đất đai đến mọi thủ tục xây cất được dễ dàng mau lẹ. Sau nữa anh chị em trong toàn Giáo Phận đã tỏ ra tích cực, cố gắng đóng góp tiền của giúp vào công việc chung, quí ân nhân cũng hết sức quảng đại ủng hộ cho công trình nầy. Chúng ta dâng lên Chúa mọi hy sinh cố gắng đó như của lễ yêu thương hiệp nhất mà Chúa hằng mong đợi chúng ta. Kính mời anh chị em sám hối tội lỗi để chúng ta bắt đầu tham dự mầu nhiệm thánh.


- Cha Hạt trưởng hạt Phan thiết JB Hoàng Văn Khanh, đọc văn thư của Ðức Giám mục giáo phận:

 

Anh chị em thân mến,

 

Cùng với Giáo Hội, chúng ta đã bước vào Mùa Chay để chuẩn bị đón mừng Ðại lễ Phục Sinh 2007. Tôi xin gởi đến quí cha, quí tu sĩ, chủng sinh và tất cả anh chị em lời chào thân ái trong Chúa Kitô. Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam đã chọn năm nay làm Năm Sống Ðạo và kêu mời toàn thể dân Chúa sống tinh thần yêu thương và phục vụ để thắp sáng Tin Mừng của Chúa, đồng thời mang hạnh phúc đến cho mọi người, nhất là người nghèo, một cách cụ thể và thiết thực nhất.


Tôi mời gọi mọi thành phần dân Chúa trong giáo phận Phan Thiết tích cực hưởng ứng tinh thần trên của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam. Năm nay cũng là năm giáo phận chúng ta có nhiều công trình xây dựng. Ngoài các nhà thờ đã khánh thành trong năm qua, sẽ có 07 nhà thờ hoàn tất trong năm nay, 05 nhà thờ khác đã có giấy phép xây dựng, trung tâm Ðức Mẹ Tà Pao dự kiến khánh thành vào trung tuần tháng 5/2007. Và do nhu cầu sinh hoạt mục vụ của giáo phận, sau khi đã hội ý với Ban Tư Vấn, tôi quyết định cho xây tòa nhà Mục vụ trên khu đất này với diện tích xây dựng là 600 m2 (gồm 03 lầu, một trệt), tổng diện tích là 2400m2.. Hôm nay, chúng ta long trọng cử hành Thánh lễ đặt viên đá đầu tiên, kính dâng công trình này lên Chúa và Ðức Mẹ để được chúc lành và thánh hoá. Công ty xây dựng TNHH Phương Nam Bình Thuận đã trúng thầu và sẽ thi công trong vòng 365 ngày, kể từ hôm nay. Xin tri ân Ðức Cha Nicolas khả kính, cám ơn quí cha, quí anh chị em, quí cơ quan Công Giáo hải ngoại, quí vị ân nhân đã quảng đại đóng góp tinh thần và vật chất để Tòa Giám Mục có điều kiện xây dựng công trình. Cám ơn các cấp chính quyền đã giao lại cho Tòa Giám Mục khu đất này. Nhờ lời chuyển cầu của Ðức Maria, Bổn Mạng giáo phận, xin Chúa ban phúc lành và trả công bội hậu cho tất cả anh chị em.

 

Thân ái kính chúc Ðức Cha Nicolas, Ðức Ông Tổng Ðại Diện, quí cha, quí khách và anh chị em một Năm Mới Ðinh Hợi và một lễ Phục Sinh dồi dào ơn Chúa, hiệp nhất và bình an.

- Trong bài giảng lễ, Ðức Giám mục suy niệm Tin mừng (Mt 16, 13-19):

 

Trong bối cảnh đang đào tạo các môn đệ của mình, Chúa Giêsu đặt ra cho họ một câu hỏi bất ngờ: "Người ta bảo Con Người là ai?" Ðó là câu hỏi dọn đường để cho các tông đồ suy nghĩ. Câu hỏi tiếp theo đặt các ông vào mối liên hệ đặc biệt quan trọng: "Phần anh em, anh em bảo Thầy là ai?" Câu hỏi quan trọng vì chính con người và Thiên Chúa nơi Ngài, Mầu Nhiệm Cứu Ðộ Ngài thực hiện, dần dần sẽ trở thành niềm tin, thành lý tưởng, thành cuộc sống tương lai của họ, đến nỗi họ sẵn sàng sống chết với niềm tin đó.

 

Câu hỏi thứ hai này vẫn luôn được đặt ra cho mọi Kitô hữu của mọi thời đại. Ðức tin của chúng ta, của cả Giáo hội qua mọi thời đại cũng là đức tin của các tông đồ như Chúa đã xác nhận trong bài Tin Mừng: "Thầy bảo cho anh biết, anh là đá, trên đá nầy Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy". Niềm tin của Phêrô là nền tảng niềm tin của Hội Thánh. Hội Thánh đây là anh chị em, là tôi là tất cả những ai đọc Kinh Tin Kính.

Ý nghĩa câu hỏi thứ hai này còn là một câu hỏi trực tiếp mà người trả lời phải đáp trả bằng chính lòng trí con tim và cuộc sống của mình. Khi đã khám phá, người trả lời sẽ cảm nhận được và đi đến việc đồng hoá với niềm tin đó. Một câu trả lời khởi từ đáy lòng mình khi đã nhận ra Ngài như thế nào. Một câu trả lời mà nếu cần phải nói lại cho một người chưa tin, họ cũng nhận ra được mình nói thật, để người khác cùng tin. Như Thánh Gioan, khi xem lưỡi đòng đâm vào cạnh sườn Chúa, máu cùng nước chảy ra, thì ngài đã ghi nhận: "Người xem thấy việc ấy đã làm chứng... và người ấy biết mình nói thật để cho cả anh em nữa cũng tin".

Vì thế, sau khi nghe Phêrô tuyên xưng "Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống", ta thử nhìn lại một vài câu chuyện Phúc Âm trong tiến trình Ðức tin của Thánh Phêrô.


Trong những năm tháng sống bên Thầy Chí Thánh, đã có ba lần Phêrô tuyên xưng niềm tin của mình cách đặc biệt.


Lần đầu tiên khi ông nghe Lời Chúa đề nghị ra khơi lại để đánh cá, một đề nghị mà ông chỉ làm để giúp Chúa giải lao một chút, vì ông đã trải qua một đêm hết vát lưới nầy đến vát lưới khác mà đâu có bắt được gì! "Vâng lời Thầy, con sẽ thả lưới..." Sau vát lưới của niềm tin, họ bắt được hai thuyền đầy cá. Phêrô hốt hoảng run sợ quỳ xuống và thốt lên: "Lạy Chúa xin hãy tránh xa con, vì con là người tội lỗi". Xin Chúa tránh xa, vì người Do Thái vẫn quan niệm ai thấy Chúa thế nào cũng chết. Vậy mà điều lạ lùng hơn nữa là sau mẻ cá lạ lùng và đầy sợ hãi đó, bốn môn đệ đầu tiên trong đó có Phêrô đã sẳn sàng bỏ mọi sự đi theo Ngài. Các ông đã giải toả được quan niệm một Thiên Chúa đáng kinh, đáng sợ. Ðức Giêsu là một Thiên Chúa rất gần gũi, hiền từ, quyền phép và đáng yêu.


Câu chuyện thứ hai là khi Chúa dạy về Bánh Hằng Sống. Thịt máu Ngài là của ăn của uống đem lại sự sống đời đời. Lúc đó ai cũng cho là vô lý, chói tai và bỏ ngài mà đi. Kể cả những môn đệ đã từng muốn theo Ngài. Ðứng trước Nhóm Mười Hai, Chúa hỏi: "Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi nữa hay sao?" Phêrô đáp ngay: "Thưa Thầy, bỏ Thầy chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời, phần chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Ðấng Thánh của Thiên Chúa". Ðó là lời tuyên xưng tuyệt vời và còn bao hàm một cái ý khác, gắn liền với cuộc sống của các tông đồ. Vì họ nhận ra rằng: Không có Thầy họ sẽ không còn gì nữa. Ngài là điểm tựa, là lẽ sống, là thần tượng duy nhất của họ. Sau này thánh Phaolô sau khi tin Chúa cũng nói một cách tương tự: đối với tôi, sống là Ðức Kitô.


Thưa anh chị em,


Thuộc Kinh Tin Kính chưa hẳn là một niềm tin đích thực. Một đức tin hời hợt, nếu cuộc sống chúng ta không muốn đồng hóa, không muốn chìm đắm trong đời sống, trong sự hiện diện phục sinh của Ngài. Ðể có niềm tin đích thực, chúng ta phải gắn bó mật thiết với Chúa, không bao giờ rời xa Chúa. Người ta kể chuyện, một hôm họa sĩ Steinburg gặp một cô gái bụi đời, vẻ duyên dáng của cô làm ông ta bị lôi cuốn. Họa sĩ mời cô về xưởng vẽ làm người mẫu. Lúc đó ông đang thực hiện tuyệt tác "Chúa Kitô trên thập giá". Cô gái nhìn bức tranh rồi nói với họa sĩ: "cái ông này chắc chắn là một người gian ác lắm nên mới bị người ta xử tử như vậy". Họa sĩ trả lời: "Không phải đâu. Trái lại, ông ấy là một người tốt lành. Người tốt lành nhất từng sống trên đời. Ông ấy chết là chết cho kẻ khác". Cô gái hỏi: "Thế ông ấy có chết cho hoạ sĩ không?". Một câu nói làm hoạ sĩ thức tỉnh. Cho đến lúc đó ông chỉ giữ đạo theo thói quen, chưa lần nào cảm nhận được Ðức Giêsu là Ðấng đang có liên quan tới mình, đã chết cho mình. Từ đó, ông thay đổi cuộc sống. Ông dành cuộc đời mình gắn liền với Chúa chịu đóng đinh. Và cuộc đời ông cũng như bức tranh của ông trở thành tuyệt tác. Cuộc sống đức tin của chúng ta sẽ trở thành tuyệt tác nếu chúng ta vừa tin, vừa yêu mến, vừa sống cho Chúa Kitô.


Câu chuyện thứ ba, Phêrô tuyên xưng đức tin "Thầy là Ðấng Kitô Con Thiên Chúa hằng sống", khi đáp trả câu hỏi của Chúa: "Phần anh em, anh em bảo Thầy là ai?" Câu tuyên xưng ngắn gọn bao hàm hai ý tưởng hết sức quan trọng: "Thầy là Ðức Kitô" và "Thầy là Con Thiên Chúa". "Ðức Kitô" là danh hiệu nói lên sứ mệnh cứu độ nhân loại của Ngài. "Con Thiên Chúa" là nguồn gốc nhiệm mầu của Ngài, Ngài từ Thiên Chúa mà đến. Ngài là Thiên Chúa làm người. Lời tuyên xưng này phải chờ đến khi Chúa chịu chết và sống lại, các môn đệ mới hiểu hết ý nghĩa. Sau ngày phục sinh, đúng hơn phải chờ đến ngày Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, các tông đồ thực thi lời tuyên xưng: "Thầy là Ðấng Kitô Con Thiên Chúa hằng sống" bằng đời sống chứng nhân.


Các tông đồ đã tham dự vào cái chết và phục sinh của Chúa. Cái chết đã làm cho họ ngã lòng, tuyệt vọng, bỏ rơi Chúa mà trốn chạy. Tất cả những gì họ hiểu được nơi Ngài đều sụp đổ. Nhưng cũng trong bối cảnh bi đát đó đã bừng lên ánh sáng của Chúa phục sinh. Lúc đó họ hiểu được thế nào là Ðấng Cứu Ðộ. Họ hiểu được thế nào là Thiên Chúa tình yêu, yêu cho đến tận cùng. Thế nào là ơn gọi đưa con người tham dự vào cuộc sống với Thiên Chúa. Họ say đắm ngất ngây với mầu nhiệm Chúa phục sinh. Những giờ phút, những kinh nghiệm bi đát trở thành niềm xác tín, thành một niềm vui bất tận và là một cuộc sống đánh đổi bằng mọi giá. Thế là họ lên đường rao giảng và sẵn sàng lấy máu đào làm chứng cho niềm tin của mình. Mầu nhiệm Chúa Kitô phục sinh mời gọi chúng ta tiếp tục cuộc sống với niềm tin mà các tông đồ rao giảng.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho tuần báo Paris Match, số ra ngày 22/12/1988, Ðức Hồng Y Albert Decourtray nói: Nếu chiều nay bất ngờ có ai hỏi tôi: đối với ngài, Ðức Kitô là ai? Hẳn tôi sẽ dành thời giờ để tuyên xưng rằng: Chúa Kitô là ai ư? Thì bạn chỉ cần nhìn Ngài, chưa bao giờ có người nào trên thế gian này biết kính trọng người khác giống như Ðức Kitô! Chưa có người nào yêu thương con người sâu đậm hơn Ðức Kitô... Chúa Kitô là trung tâm điểm trí thông minh, cuộc đời và sự sống của tôi, tôi chỉ muốn nói về Người và chỉ ao ước sống trung tín với Người.


Chúng ta đang sống giữa một thời đại với biết bao thách đố liên tục, những thách đố làm mất đức tin bao người. Nhưng chúng ta vững tin vào lời Chúa đã phán với tông đồ Phêrô, vị Giáo hoàng đầu tiên của Giáo Hội: Thầy bảo cho anh biết: Anh là Phêrô, nghĩa là tảng đá, trên tảng đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nỗi. Nhờ ơn Chúa quan phòng, mỗi giai đoạn gian nan thử thách,luôn có bao vị thánh Chúa gởi đến và một sức sống mới của Giáo Hội lại sinh động khôn lường tiếp tục. Chúng ta quên sao được hình ảnh Ðức cố Gioan Phaolô II, mẹ Têrêxa Calcutta. Ðó là những chứng nhân đức tin sáng ngời cho thời đại. Hôm nay nhân ngày kỷ niệm Ngai Tòa Thánh Phêrô, chúng ta bắt đầu xây thêm cơ sở mới cho Tòa Giám mục, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của giáo phận. Xin cám ơn mọi người thiện chí đã sẵn sàng góp công góp của. Nhưng điều quan hệ hàng đầu là ta đang xây dựng một niềm tin, sự hiệp nhất và sự sống đích thực với Chúa Kitô phục sinh, sống vì mọi người, yêu thương và phục vụ. Amen.

- Cuối thánh lễ, Ðức Ông Tổng đại diện đọc lời cám ơn:

 

Kính thưa quý Ðức Cha, quý Cha, quý vị, và tất cả anh chị em. Thánh lễ hôm nay, chỉ dăm ba phút nữa là kết thúc, tôi xin đại diện và thay lời cho Tòa Giám Mục trân trọng gửi đến mọi người lời cám ơn thật chân tình và quý mến. Xin cám ơn sự hiện diện rất thịnh tình của đông đủ các Cha, quan khách xa gần, Cộng đoàn tu sĩ, Chủng sinh, quý Hội Ðồng Mục Vụ giáo phận, giáo hạt, giáo xứ, các Hội đoàn Gia trưởng, Bà mẹ Công giáo đã bất chấp đường xa, nắng nỏ, tạm ngưng niềm vui Xuân chưa cạn đã hiện diện nơi đây để cử hành và tham dự thánh lễ dưới ánh nắng khác thường của ngày đầu xuân Ðinh Hợi, quả là một hy sinh lớn thật đáng kể và đáng trân trọng. Tòa Giám Mục xin cám ơn ban tổ chức, các công ty, ban tiếp tân, ban trang trí lễ đài, trật tự, âm thanh, ánh sáng, ca đoàn, phụ lễ, đặt biệt là giáo dân giáo xứ Chính Tòa, giáo họ Ðức Thắng. Tòa Giám Mục cám ơn trước ban ẩm thực, rồi đây sẽ phục vụ tốt cho bữa tiệc mừng đánh dấu ngày lễ Ðặt viên đá đầu cho kiến trúc mới. Tòa Giám Mục cám ơn sự hiện diện của các đồng bào láng giềng xung quang Tòa Giám Mục. Dù khác tôn giáo, dù không chung một tín ngưỡng, nhưng cùng chung một tâm thức Việt Nam là rất trọng tình lân lý. Tòa Giám Mục xin dành một lời cám ơn đối với các cấp Chính quyền đã đồng thuận để mảnh đất này trở về với chủ. Nhờ đó, mà chúng ta có thực địa để tổ chức lễ hôm nay.


Kính thưa anh chị em, Nếu hội đủ ba yếu tố "thiên thời địa lợi nhân hòa", và trong sự quan phòng của Chúa thì năm 2008 tới đây vào độ này, tại mảnh đất này, mọi người sẽ thấy sự hiện hữu của một tòa nhà Mục Vụ giáo phận. Tuy không đồ sộ hoành tráng nhưng là một kiến trúc có tầm cở, thích hợp với nhịp độ phát triển hạ tầng của Giáo hội Việt Nam, tăng thêm một nét đẹp cho Thành phố Phan Thiết thân yêu này. Tất cả mọi người điều ước mong cho kiến trúc bằng xi măng, gạch đá cốt sắt, nay mai phải trở thành một kiến trúc đậm đặc tinh thần thiêng thánh, chứa đựng hồng ân của Chúa. Nơi đây các thành viên của gia đình giáo phận được đào tạo huấn luyện về mọi lãnh vực để phục vụ giáo hội và quê hương Việt Nam.

 

Kính thưa anh chị em,


Cái hữu hình sẽ qua đi với thời gian, chỉ có tinh thần mới tồn tại vĩnh cữu. Vì trong quan điểm đức tin, mọi công trình đều phát xuất từ Chúa, hoạt động nhờ Chúa và hướng về Chúa. Xin phép được hiệp ý với nhau, cùng nhau tạ ơn Chúa, nhờ lời chuyển cầu cũa Ðức Mẹ Maria, xin Chúa ban phúc lành và trả công xứng đáng cho con cái của Người. Một lần nữa, đại diện và thay lời cho Tòa Giám Mục, tôi trân trọng ghi ơn quý Cha, quý vị và mọi người.


Thật ý nghĩa trong ngày lễ kính Tông Tòa Thánh Phêrô, Giáo phận Phan thiết chọn làm ngày khởi sự cho công trình Toà giám Mục. Ngày lễ kính Tông Tòa thánh Phêrô khởi đầu từ thế kỷ thứ 4. Giáo Hội cầu nguyện cách riêng cho Ðức Giáo Hoàng, Ðấng kế vị thánh Phêrô, người đánh cá khiêm nhường xứ Galilê được Chúa Giêsu Kitô chọn đứng đầu Hội thánh của Ngài.


Tông Tòa là Ngai Ðức Giáo Hoàng ngự mỗi khi có Hội đồng và ban giáo huấn cho toàn dân Chúa. Chiếc ngai này không chỉ tượng trưng uy quyền giáo huấn mà còn tượng trưng sự kế vị thánh Simon Phêrô với sứ mệnh: "chủ tọa công việc bác ái và tập hợp lại những môn đồ của Chúa Giêsu Kitô." Thánh Phêrô là Giáo Hoàng tiên khởi đã cùng với thánh Phaolô lập nên Tòa Thánh tại Roma. Thánh Phêrô được chôn tại đồi Vatican và ngày nay là dưới hầm mộ trong Vương Cung thánh đường Thánh Phêrô Phaolô. Tứ thời Gíáo Hội sơ khai, thánh Phêrô được xem như là Ðấng Mục tử toàn cầu, là Giáo Hoàng tiên khởi, Tông Toà được đặt tại Roma.


Xin mọi người cùng hiệp ý cầu nguyện và góp phần để công trình xây dựng Trung Tâm Mục Vụ Toà Giám Mục được hoàn thành tốt đẹp.


Lm Giuse Nguyễn Hữu An

 

TÌM HIỂU & SỐNG ĐẠO

 

 

CHUYỆN TÌNH THẬP GIÁ

 

(Nhân đọc sứ điệp Mùa Chay 2007 của Đức Bênêđictô XVI )


Dư âm những ngày xuân chưa hết thì mùa Chay thánh lại về. Đoàn dân Chúa bước vào mùa thanh luyện, mùa chiến đấu “thiêng liêng”. Không ai phủ nhận sự thật này : Mùa chay thánh góp phần hình thành tâm tình đạo đức sâu lắng nơi người tín hữu Kitô cách đặc biệt hơn so với cách mùa khác trong năm. Phải chăng nhờ cái bầu khí bên ngoài của các cuộc cử hành Phụng vụ ? Xức tro ? Phẩm phục màu tím ? Các buổi ngắm nguyện hay cung điệu thánh ca trầm buồn ? Có thể lắm. Tuy nhiên xét cho cùng thì điều làm cho tín hữu lắng đọng tâm tư cũng như tăng lòng sốt mến đó là sứ điệp tình yêu Thiên Chúa được nhấn mạnh trên cái phông nền là tội lỗi của con người. Và tình yêu ấy hiễn lộ cách rõ nét và hoàn hảo qua mầu nhiệm thập giá của Đức Kitô. Chuyện tình thập giá luôn còn đó tính thời sự cho con người, mọi thời. “Vì chúng ta, Đức Kitô đã tự hạ, sống vâng phục cho đến chết và chết trên thập giá” ( x.Pl 2,8 ). Xin được chia sẽ đôi tâm tình nhân đọc lá thư Mùa Chay 2007 của Đức Bênêđictô XVI.

Yêu là hy sinh : Sự hy sinh của người cha, người mẹ vì đàn con, nhất là với đứa con tật nguyền, hư hỏng quả là đáng cảm phục. Người ta cũng dễ mủi lòng trước sự hy sinh của người tình cho người mình yêu được hạnh phúc trong các chuyện phim tình cảm. Có khi các tình tiết lâm ly đã làm rơi lệ không ít người vốn đa sầu đa cảm. Người ta rơi lệ, cảm động hay cảm phục trước những hy sinh quả cảm nhưng rồi trong thâm tâm vẫn mong rằng ước gì chuyện kết thúc có hậu mà không có những đau thương kia. Và dĩ nhiên với Đấng mà không có sự gì là không thể được thì chuyện hy sinh mạng sống mình, chịu chết trên thập giá có cần thiết hay là thái quá chăng ? Mỗi khi đề cao cách thái quá sự hy sinh thì người ta có vô tình rơi vào tình trạng yếm thế hay thậm chí là nghiêng chiều tâm lý khổ dâm ? Máu chiên bò Chúa chẳng ưng và Người cũng chẳng muốn nhận thì sao Chúa lại đòi giá máu của chính Con một dấu yêu của mình ?


Chẳng một ai có thể trả lời cho câu hỏi tại sao. Sao không như thế này, sao không như thế kia ? Không có thần học giả thiết. Chỉ có thần học dữ kiện. Thập giá đã có đó. Sự hy sinh là một dữ kiện như là tất yếu của ân tình. Mặc dù hy sinh, chịu khó, chịu khổ chưa hẳn là tình yêu, nhưng trong tình yêu dường như không thể thiếu những yếu tố ấy. Chúng có thể là những điều kiện nhưng không phải là đích đến của tình yêu.


Yêu là trao ban : Không có tình yêu nào cao quý cho bằng tình của người hiến dâng mạng sống mình vì người mình yêu ( x.Ga 15,13 ). Đã yêu thì ta không chỉ muốn mà còn tìm mọi cách thế để trao ban điều tốt nhất cho người mình yêu. Hằng năm cứ đến ngày lễ tình yêu ( Valentine – 14-02 ), người ta trao cho nhau biết bao tặng vật. Hoa hồng và kẹo sôcôla tha hồ lên giá. Nhưng có tặng vật nào quý giá cho bằng chính bản thân mình. Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban chính Con Một mình… ( Ga 3,16 ). Hành vi trao ban quả là đẹp và đáng khâm phục. Hành vi trao ban vốn mang nét cao cả hay cao thượng. Tuy nhiên khi trao ban điều tốt cho một ai đó thì có thể là do lòng thương xót mà cũng có thể là do sự thương hại. Và một đôi khi người ta dùng sự trao ban như là phương thế để cởi bỏ một gánh nặng tâm lý hay trút bỏ một lỗi lầm kiểu lập công quả để chuộc tội, đền bù các bất công đã gây ra.


Dẫu sao đi nữa khi đã yêu là phải trao ban hay dâng hiến. Dĩ nhiên điều dâng hiến hay trao ban phải là điều tốt đẹp và hữu ích cho người mình yêu. Không ai phủ nhận giá trị cao quý của các hành vi trao ban khi yêu thương. Thế nhưng vẫn có đó dáng dấp của kẻ trên, của người ở thế thượng phong trong chính hành vi trao ban.

Yêu là đón nhận : Ngữa tay ra để trao ban điều tốt cho người mình yêu là điều không mấy dễ dàng. Giang tay ra để đón nhận nhau như nhau đang là thì khó khăn gấp bội. Đón nhận cả những mặt mạnh lẫn những hạn chế của nhau, đón nhận những ưu điểm lẫn khuyết điểm, những thành công lẫn thất bại, nhất là đón nhận con người tội lỗi, bất trung, phản bội của nhau thì mới đích thực là yêu thương. Chúa Giêsu đã hình tượng hóa tình yêu của Thiên Chúa qua người cha nhân hậu trong Tin Mừng Luca chương 15. Người cha nhân hậu ấy đã đón nhận cả người con thứ hoang đàng lẫn người con cả ganh tương, ích kỷ, đố kỵ. Điều này được thể hiện nơi chính cung cách sống của Thầy Chí thánh. Người không ngại ngần đón nhận “phường thu thuế” và “bọn đĩ điếm” khi đồng bàn với họ. Người đón nhận những kẻ phải gọi Người là Thầy và là Chúa thành bạn hữu thân tình. Trên thập giá, đôi tay Người giang ra ôm trọn cả những người đang uất hận đóng đinh Người để xin Chúa Cha tha cho họ vì họ lầm chẳng biết.


Chính khi đón nhận cả nhân loại bằng việc nhập thể, nhập thế thì Đức Kitô đã trao ban chính phận là phận của một vị Thiên Chúa đầy vinh quang và uy quyền. Vào trần gian, khi đón nhận thân phận tội nhơ của kiếp nguời thì Đức Kitô đã tự xếp mình theo dòng người trên bờ sông Giođan để cho Gioan làm phép rửa và Người đã trao ban phận Con Chiên tinh tuyền của bản thân. Khi nhận lấy bao khổ lụy tật bệnh của con người cùng thời vào chính mình thì Người đã trao ban sự minh trí của mình để rồi ngay chính người thân cũng đã lầm tưởng rằng Người mất trí. Và trên thập giá khi đón nhận thân phận tội lỗi, hư mất của nhân loại, Người đã trao ban phận Con Thiên Chúa hằng sống bằng cái chết nhục nhã, tủi hỗ, trần truồng thậm chí chẳng còn hình tượng con người.

Thập giá là sự mạc khải trọn vẹn tình yêu của Thiên Chúa. Đức Bênêđictô XVI khẳng định : “ Trên Thánh Giá, ái tình ( eros ) của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu hiện. Trên thực tế, ái tình ( eros ) như Pseudo-Dionysius diễn tả là sức mạnh “không cho phép người yêu ở một mình nhưng thúc giục họ trở nên một với người mình yêu”. Có ái tình ( eros ) điên dại nào hơn là khiến Con Thiên Chúa biến mình thành một người với chúng ta đến nỗi chịu những hậu quả của những tội lỗi chúng ta như chính là của mình” ( Sứ Điệp Mùa Chay 2007 ). Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta suốt mùa chay này hãy chiêm ngắm Chúa Kitô chịu đâm thâu trên thập giá. Người là sự mạc khải tình yêu Thiên Chúa cách trọn hảo, “một tình yêu trong đó ái tình ( eros ) và đức bác ái ( agape ) thay vì đối nghịch nhau nhưng lại soi sáng cho nhau”.


Có thể nói mục đích hay điểm đến của động thái yêu thương là đón nhận nhau. Chính khi đón nhận nhau như nhau đã là, đang là và sẽ là, thì ta đang trao ban chính con người của mình từ phẩm vị, quyền năng và cả sự sống. Và khi trao ban những gì mình có, mình là, cho nhau để đón nhận nhau thì sự hy sinh đang có đó như là dữ kiện tất yếu.

 

Chiêm ngắm Chúa Kitô trên Thánh Giá với đôi bàn tay giang rộng để Kitô hữu chúng ta biết yêu thương như Người đã yêu thương chúng ta. Và cách thế yêu thương tuyệt vời đó là chân thành đón nhận nhau, đón nhận anh chị em đồng đạo lẫn khác tôn giáo, đón nhận người công chính lẫn kẻ bất lương, đón nhận những người có thiện cảm với ta hay đang có dã tâm với mình… Khi thực thi nghĩa cử yêu thương đón nhận này là lúc ta sống mầu nhiệm tự hủy của Thầy Chí Thánh. Thật khó biết bao và cũng là cần phải nỗ lực hy sinh quên mình biết bao khi phải bỏ cả dáng vẻ đáng kính của bản thân, bỏ đi sự huy hoàng của tôn giáo mình, bỏ đi cả thói trịch thượng, độc chiếm chân lý... Đón nhận nhau không phải là chấp nhận thụ động hay là a tòng với những điều không hay, những sự xấu của nhau nhưng là để chủ động làm cho nhau ngày thêm thanh sạch, vẹn tuyền, làm cho nhau được sống và phát triển ngày mỗi hơn. Một điều chắc chắn là nếu ta không chấp nhận sự thật này thì ta chưa sống lệnh truyền của Đức Kitô: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em” ( Ga 13,34 ). Và con đường nên hoàn thiện như Cha chúng ta trên trời quả thật còn rất xa vời.


Thuận Hiếu – Ban Mê Thuột.

LM Giuse Nguyễn Văn Nghĩa

 

Về bài báo vu khống và phỉ báng cha Đắc Lộ

 

Trong báo Người Lao Động chủ nhật ra ngày 7.1.2007 nơi trang 23, có đăng bài Đi tìm nguồn gốc chữ quốc ngữ của Gs – Ts. Phạm Văn Hường. Nội dung bài báo vu khống và phỉ báng Alexandre de Rhodes (ta phiên âm là A Lịch Sơn Đắc Lộ, thường gọi tắt là Đắc Lộ) bốn điều : 1) Đạo văn, lấy công trình của Amaral và Barbosa đem xuất bản Từ điển Việt Bồ La với tên mình. – 2) Đã đạo văn lại “tự ý ghép tên mình thêm chữ de kệch cỡm” khi ra từ điển ấy. – 3) “Không biết lễ chủ nhật nằm đầu tuần hay cuối tuần nên Rhodes sinh ý Phép giảng tám ngày”. 4) Không được phép trở lại Đông Nam Á, “Alexandre trôi dạt vào Iran… kết thúc một đời tu hành gian trá”.


Tôi xin đính chính :

 

1) Rhodes có đạo văn hay không ?


Rhodes đã viết trong lời nói đầu Cùng độc giả của Từ điển Việt Bồ La: Tiếng An Nam “không những thuộc hai vương quốc khá rộng lớn là Đàng Ngoài và Đàng Trong, thêm vào đó vương quốc thứ ba là Cao Bằng (tức Đàng Trên của nhà Mạc, NĐĐ) cũng sử dụng cùng một phương ngữ ấy; mà lại tiếng đó còn thông dụng ở những vương quốc lân cận như Chàm, Cam Bốt, Lào và Xiêm…


“Tuy nhiên trong công việc này, ngoài những điều mà tôi đã học được nhờ chính người bản xứ trong suốt gần 12 năm mà tôi lưu trú tại hai xứ Đàng Trong và Đàng Ngoài, thì ngay từ đầu tôi đã học với cha Francisco de Pina người Bồ Đào, thuộc Hội dòng Tên (Giêsu) rất nhỏ bé chúng tôi, là thầy dạy tiếng, người thứ nhất trong chúng tôi rất am tường tiếng này và cũng là người thứ nhất bắt đầu giảng thuyết bằng phương ngữ đó mà không dùng thông ngôn, tôi cũng sử dụng những công trình của nhiều cha khác cùng một Hội dòng, nhất là của cha Gaspar de Amaral và cha Antonio Barbosa, cả hai ông đều đã biên soạn mỗi ông một cuốn từ điển : ông trước bắt đầu bằng tiếng An Nam, ông sau bằng tiếng Bồ Đào, nhưng cả hai ông đều đã chết sớm. Sử dụng công khó của hai ông, tôi còn thêm tiếng Latinh theo lệnh các vị Hồng y đáng kính” (1).


Như vậy thật rõ ràng : Rhodes có “sử dụng những công trình của nhiều cha khác…, nhất là của cha Gaspar de Amaral (từ điển An Nam – Bồ) và của cha Antonio Barbosa (từ điển Bồ– An Nam)”. Phần Latinh là của Rhodes.


Có lẽ tác giả chưa đọc nguyên bản hoặc bản dịch Từ điển Việt Bồ La – đặc biệt lời nói đầu Cùng độc giả như vừa trích dẫn – nên đã viết : “Hai giáo sĩ do Amaral và Barbosa trước khi mất có để lại trong nhà thờ San Pauli ở Macau những quyển từ điển Việt – Bồ – Latinh (sic) mà họ đã sáng tạo. Alexandro Rhodes là người mang từ điển đó về Âu châu. Năm 1651 người ta thấy có quyển từ điển Việt – Bồ – Latinh xuất bản Roma với tên tác giả là Alexandro de Rhodes”.


Ts – Gs họ Phạm nói thế nghĩa là Rhodes đã đạo công trình của Amaral và Barbosa, chép lại nguyên xi Từ điển Việt Bồ La (sic). Vứt bỏ tên Amaral và Barbosa đi, rồi đưa xuất bản với tên mình là tác giả.


Đó là vu khống trắng trợn, làm gì có “quyển từ điển Việt – Bồ – Latinh”, chỉ có từ điển Việt Bồ của Amaral và từ điển Bồ Việt của Barbosa mà thôi. Muốn làm từ điển Việt Bồ La, Rhodes phải đúc kết hai từ điển đó và thêm tiếng Latinh vào mới thành. Hơn nữa, Rhodes có dấu nhẹm hai tên Amaral và Barbosa đi đâu ! Trái lại, ông đã trang trọng ghi trong lời Cùng độc giả là “có sử dụng những công trình của… Gaspar de Amaral và Antonio Barbosa”. Tuy nhiên, chưa ai biết Rhodes đã sử dụng công trình của Amaral và Barbosa tới mức nào, vì hai từ điển nói trên thất lạc đâu mất.


Từ điển Việt Bồ La không chỉ là từ điển ngôn ngữ – dịch từ tiếng Việt ra Bồ và La ngữ – mà còn là một từ điển bách khoa giải thích cả về địa lý, lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng, phong tục tập quán, ca dao ngạn ngữ… đặc thù của người Việt đương thời. Nếu không có sự đóng góp của người bản xứ, Rhodes không thể thực hiện được công trình để đời này.


Ngoài ra, Rhodes còn viết một chương ngữ pháp tiếng Việt đặt ở đầu sách và vẽ một bản đồ vương quốc An Nam để ở cuối sách. Hai mục ngữ pháp và bản đồ cũng đã đáng kể là công trình rất lớn của Rhodes.


Học giả Nguyễn Khắc Xuyên (Tiến sĩ thứ thiệt nhưng không bao giờ ghép vào tên mình ký hiệu TS) để cả đời chuyên nghiên cứu lịch sử hình thành chữ quốc ngữ Latinh.Ông đã trước tác nhiều công trình thật giá trị, trong đó có cuốn Ngữ pháp tiếng Việt của Đắc Lộ 1651 dày 234 trang, được đánh giá là : “Riêng về giáo sĩ Đắc Lộ, tưởng không có ai nghiên cứu tường tận bằng Nguyễn Khắc Xuyên, nhất là trên khía cạnh mối liên hệ giữa Đắc Lộ và chữ quốc ngữ. Tác phẩm Ngữ pháp tiếng Việt của Đắc Lộ là một bằng chứng cụ thể cho nhận định trên” (2).



Còn bản đồ Vương quốc An Nam (Regnu Annam) của Đắc Lộ vẽ có lẽ phỏng theo bản đồ An Nam quốc đời Hồng Đức (1490) ở đường nét chính yếu và đặt phía tây lên trên. Tuy nhiên, Đắc Lộ ghi thêm độ số vĩ tuyến – kinh tuyến và chú thích các địa danh bằng chữ quốc ngữ cổ chưa bỏ dấu. Bản đồ này có giá trị khoa học địa lý nhất đương thời.



2) Đã đạo văn lại “tự ý ghép tên mình thêm chữ de kệch cỡm” khi Rhodes trở về Âu châu cho ra từ điển ấy ?


Như vừa nói, tác giả ho Phạm không đọc hoặc có đọc mà không hiểu nội dung Từ điển Việt Bồ La, nên cho là Rhodes có hành vi đạo công trình của người khác và “đã kèm thêm tên de quý phái… kệch cỡm khi ra quyển từ điển lịch sử” ấy ? Thiển nghĩ tác giả họ Phạm đã không đọc tiểu sử của Rhodes và cũng không hiểu cách đặt tên rất thông thường trong thời phong hầu kiến ấp ở Âu châu trung cổ. Chữ de (hay do hoặc da tùy theo ngôn ngữ mỗi nước) chỉ có ý nói là ở lâu đài kiến ấp hay ở làng xóm nào mà thôi. Cũng thường khi chẳng phải phong hầu kiến ấp gì, nhiều dòng họ cũng lấy tên địa hình tự nhiên mà đặt, như Rivière là ở gần sông, Montagne gần núi, Dubois gần rừng, Dupont gần cầu, Rousseau gần suối, Fontaine gần vòi nước, Desmoulins gần cối xay, Duchêne gần cây sồi,.. Lâu ngày địa danh trở thành tộc danh và người ta bỏ hẳn chữ de. Cách đặt tên họ ở Pháp rất khác với Việt Nam. Trong khi Việt Nam chỉ có trên dưới 150 tộc danh, còn ở Pháp thì có hàng vạn tên. Chữ de thực không có gì là kệch cỡm! Ngay trong bài của tác giả có tên 4 người thì 3 người đã có chữ de. Và hoàn toàn không có sự kiện : “Khi rời Á Đông trở về Âu châu, ông này (Rhodes) đã kèm thêm tên de quý phái”. Tác giả đã dựng đứng sự kiện ấy!


3) “Không biết lễ chủ nhật nằm ở đầu tuần hay cuối tuần nên Rhodes sinh ý Phép giảng tám ngày”!


Tác giả họ Phạm cũng không đọc hay có đọc tác phẩm mà không hiểu gì hết. Phép giảng tám ngày nguyên tên đầy đủ là Phép giảng tám ngày cho kẻ muốn chịu phép Rửa tội mà vào đạo thánh Đức Chúa Trời (3). Đây là sách dạy giáo lý (Cathechismus) cho người muốn tòng giáo, mà Rhodes đã biên soạn bằng tiếng Việt và ứng dụng ở xứ ta, rồi cho xuất bản tại Roma năm 1651. Chương trình dạy giáo lý này chia ra 8 phần và mỗi ngày học một phần. Bắt đầu học “Ngày thứ nhít” (nhất) vào ngày nào trong tuần cũng được. Còn có những chương trình dạy giáo lý khác cho người muốn học cả tháng hay cả năm, chứ không nhất thiết phải học trong một tuần lễ 7 ngày !


Phép giảng tám ngày của Rhodes không liên can gì đến tuần lễ 7 ngày. Tác giả họ Phạm thật liều lĩnh khi hạ bút: “Có lẽ trước sự hoang mang, bán tín bán nghi, không biết lễ chủ nhật nằm đầu tuần hay cuối tuần nên Rhodes sinh ý Phép giảng tám ngày”. Một giáo sĩ của Dòng Tên thông thái mà không biết lễ chủ nhật (hay Chúa nhật) nằm ở đầu tuần hay cuối tuần sao ! Cả tỷ người theo Kitô giáo, Do Thái giáo và nhiều tỷ người trên thế giới chấp nhận dương lịch Công nguyên đều sinh hoạt theo tuần lễ 7 ngày và “lễ chủ nhật” là ngày đầu tuần. Hầu khắp thế giới nghỉ ngày chủ nhật. Gần đây nghỉ thêm ngày thứ 7 thì gọi là nghỉ cuối tuần (week-end hay fin de semaine).


4) “Alexandre trôi dạt vào Iran cho đến một ngày... chết ở Ispahan (in nhầm là Isfahan cũng như bìa sách Từ điển Việt Bồ La, in sai tên Annam thành Annnam)… kết thúc một đời tu hành gian trá”.


Tác giả họ Phạm đánh giá Alexandre de Rhodes như trên chỉ có thể dựa vào những ý kiến xuyên tạc – nếu không nói là ác ý – của ông đối với người có công lớn trong sự nghiệp sáng tạo ra chữ Quốc ngữ, mà Sài Gòn – Tp. Hồ Chí Minh đã đặt thành một tên đường phố ở trung tâm. Trên 350 năm nay (1651-2006) đã có hàng trăm hàng vạn sách báo viết về Alexandre (có khi viết Alexandro hay Alexander) de Rhodes mà Việt Nam phiên âm thành A Lịch Sơn Đắc Lộ và gọi tắt là Đắc Lộ. Tất cả sách báo ấy – ở Việt Nam cũng như trên khắp thế giới – đều thừa nhận Đắc Lộ có công với sự sáng tạo chữ quốc ngữ, mặc dầu có những đánh giá cao thấp khác nhau. Có lẽ chỉ riêng bài của tác giả họ Phạm là quá quắt vừa phản khoa học vừa đụng chạm đến lễ nghi tôn giáo và thẳng tay kết án Đắc Lộ là đạo văn lấy công trình của người làm của mình, tự thêm tên de quý phái kệch cỡm, không hiểu lễ Chúa nhật ở đầu hay cuối tuần và kết thúc một đời tu hành gian trá!



*
Tôi thực tình ngạc nhiên khi thấy Tòa soạn Người Lao Động rất có uy tín lại giới thiệu bài báo của Gs.Ts Phạm Văn Hường là “có tính chất nghiên cứu khoa học, mọi ý kiến phản biện, tranh luận, tác giả sẵn sàng lắng nghe…”.


Tôi xin gửi Tòa soạn Người Lao Động một số bài báo của Gs. Phan Huy Lê, Minh Hiến, Th. V.. Tâm Chánh, Đỗ Quang Hanh, Hoàng Định… đã đăng trên các báo Lao Động, Thể Thao, Sài Gòn Giải Phóng, Tuổi Trẻ… khoảng từ (tháng 11.1993 đến tháng 9.1995, để tham khảo trước khi quyết định có nên mở ra cuộc tranh luận với Gs. Ts. Phạm Văn Hường hay không. Cho đến nay các giới chuyên nghiên cứu lịch sử chữ Quốc ngữ ở Việt Nam và Pháp vẫn chưa biết ông ấy là ai.


(Nguyệt san Công Giáo Và Dân Tộc số 145 tháng 1.2007)

Nguyễn Đình Đầu

 

PHẢN HỒI BÀI VIẾT
"ĐI TÌM NGUỒN GỐC CHỮ QUỐC NGỮ"
CỦA GS TS PHẠM VĂN HƯỜNG

Trần Duy Nhiên,

Saigon - Roland Jacques, Canada

Ngày 07-01-2007, báo Người Lao Động đã đăng bài “Đi tìm nguồn gốc chữ quốc ngữ” (1) của GS-TS Phạm Văn Hường liên quan đến Alexandre de Rhodes (mà ông gọi là Alexandro Rhodes). Trong bài viết của mình tác giả dùng những từ ngữ phê phán rất nặng đối với Alexandre de Rhodes, ví dụ như: đạo công trình, lừa đảo, gian dối, gian trá...

Đọc bài của ông, tôi thấy buồn. Buồn không phải vì một nhà vật lý thì không có quyền nói lên ý kiến mình trong lãnh vực lịch sử, nhưng buồn vì khi nêu ý kiến ở một lãnh vực không thuộc chuyên môn của mình, ông lại khẳng định quá chắc và kết án một nhân vật lịch sử, dựa trên những cứ liệu rất ít ỏi của mình.

TS. Hường được giới khoa học biết đến nhờ công trình nghiên cứu về chất diamite (kim cương nhân tạo) tại Đại Học Bordeaux I, và kiến thức vật lý của ông có thể làm cho tiếng nói ông có uy tín khi đề cập đến những lãnh vực dính dấp đến chuyên môn của mình, như ngành khảo cổ, ví dụ như bài viết của ông về “Kinh thành Thăng Long cổ...” mà báo Người Lao Động đã đăng ngày 12-02-2004. Tuy nhiên, trong lãnh vực lịch sử và ngôn ngữ thì ông đã không cập nhật những thông tin trong vòng 7 năm trời, để rồi nói ra như một khám phá mới những điều mà các nhà nghiên cứu lịch sử và ngôn ngữ Việt Nam đã đi đến kết luận từ lâu. Đó là chưa nói đến những kết luận quá vội vàng dựa trên một số quá ít dữ kiện, mà không đưa ra một tham chiếu nào để cho người đọc có thể kiểm chứng những khẳng định của mình.

Thật vậy, bài viết của ông lấy lại y nguyên suy nghĩ về Alexandre de Rhodes mà ông đã đăng từ năm 1999 trên tạp chí điện tử Văn Học Nghệ Thuật (2), và từ ấy đến nay nhiều vấn đề ông đề cập không còn gì là mới mẻ nữa. Vì thế tôi viết bài này để nói lên một vài vấn đề liên quan đến bài báo của ông.

I. Những vấn đề đặt ra:

1. Vấn đề thiếu tham chiếu văn kiện.

- T.S Phạm Văn Hường viết: “Vậy Alexandro de Rhodes là ai, có phải là Alexandre Rhodes hay không? Tôi có đi Macau, tìm nguồn nhưng vô hiệu. Tôi cũng tìm đến nơi gia đình họ Rhodes ở gần Avignon. Gia đình người Pháp này có gốc Y Pha Nho. Linh mục Công giáo địa phận này cho tôi tài liệu in bức thư của Alexandro Rhodes khi ông này xin giáo hội dòng Jesus cho ông đi truyền đạo ở Đông Nam Á”

Câu nói trên bao hàm nhiều vấn đề mà ông không cho độc giả biết. Ông tìm đến nơi gia đình họ Rhodes nào ở gần Avignon? Trong niên giám điện thoại nước Pháp, tại Avignon chỉ có một người họ Rhodes tên là Rouby-Rhodes Laurence, và toàn Departement de Vaucluse thì chỉ có thêm Rhodes Leslie tại thành phố Sainte Cécile Les Vignes. Ông có gặp hai người này không? Và nếu có thì liệu hai người ấy có liên hệ huyết thống gì với Alexandre de Rhodes không? Ông gặp một linh mục công giáo địa phận, đó là linh mục nào? Phải chăng là linh mục Michel Barnouin, người có tiếng nói uy tín nhất về Alexandre de Rhodes tại Avignon? Nếu muốn tìm nguồn gốc xem tên đúng khai sinh của Alexandre de Rhodes thì tại sao phải sang Macao? Ông tìm nguồn gì? ở đâu? gặp ai? Đọc lại bài ông viết năm 1999 mới thấy ông nói rằng khi đến Macao ông có gặp ‘cha Manual Teixera, một thừa sai dòng Tên người Bồ Đào Nha, 84 tuổi’ và vị linh mục này ‘chia sẻ với tôi niềm tin tưởng sâu xa của ông rằng Rhodes đã ký tên vào một cuốn từ điển mà ông không hề viết bao giờ’ (3)

Không biết ngoài lần gặp gỡ đó ra, từ ấy đến nay T.S Hường có sang Macao để tìm nguồn nào nữa không. Nếu có thì bài của ông không nói rõ. Nếu không thì những kết luận của ông thiếu tính thuyết phục, khi ông chỉ căn cứ trên ‘tin tưởng’ của một người mà ông gặp ở Macao, rồi dùng những từ ngữ ‘lừa đảo’ hay ‘đạo công trình’ mà gán cho Alexandre de Rhodes; nhất là khi trong đoạn văn vỏn vẹn 10 chữ: “Father Manual Teixera, a Portuguese Jesuit missionary of 84 years” , thì đã có hai lỗi chính tả và hai thông tin không chính xác: tên của vị giáo sĩ là ‘Manuel Teixeira’ chứ không phải là ‘Manual Teixera’ (chính tả); năm 84 tuổi, vị giáo sĩ này là đức ông (Monsenhor; Monsignor) chứ không phải là cha thừa sai (Missionary Father) và ông là một giáo sĩ triều chứ không phải là một linh mục dòng Tên (thông tin thiếu chính xác). (4)

- Ông cũng nêu lên một dữ kiện khác, ấy là De Rhodes đã ‘tái diễn’ trò ‘đạo công trình’ đối với “quyển Tường trình về Nhật Bản với sự tài trợ của công chúa Đan Mạch” , nhưng ông không cho biết xuất xứ của khẳng định này, nên khó lòng phản biện.

Có thể ông muốn nói đến một bản trong bộ ký sự về các vị tử đạo tại Nhật Bản, mà trong lời tựa của tập cuối cùng, tập Histoire de la vie et de la glorieuse mort de cinq pères de la compagnie de Jesus, qui ont souffert au Japon, avec trois séculiers, en l’année 1643 , Alexandre de Rhodes đã ghi lời tri ân lên công chúa Đan Mạch vì đã tài trợ để in ấn tập sách này. Quả thật, ông đã đề tên mình trên một tuyển tập các truyện ký do nhiều anh em dòng Tên viết, nhưng hành vi này, thời bấy giờ, không thể coi là ‘gian trá’ được, như lời nhận định sau đây của Roland Jacques:

“Thật vậy, ý niệm về sở hữu trí tuệ trong lãnh vực văn chương nơi các tu sĩ dòng Tên vào thế kỷ XVII không y như ý niệm ta có bây giờ; chúng tôi đưa ra đây hai thí dụ: Ta thấy bản tường thuật về việc tử đạo của thầy giảng Anrê, mà bản gốc bằng tiếng Bồ Đào Nha chắc chắn do chính linh mục Rhodes viết ra, nhưng đôi khi được viết lại đúng từng chữ một dưới tên các tác giả Matias da Maia, Antônio Francisco Cardim hoặc Manuel Ferreira. Ngược lại, Rhodes đã xuất bản dưới tên mình một bản tường thuật liên quan đến các vị tử đạo Nhật Bản, mà tổng thể lại lấy lại những ký sự của các tu sĩ dòng Tên. Như thế, khi người ta quyết định cho xuất bản hoặc tái bản một bản văn được thuận nhận để phổ biến, thì người được đề cử làm công việc nầy lại ghi tên mình vào đó, và mang trách nhiệm cá nhân về công tác của mình. Trong trường hợp của linh mục Rhodes và các vị tử đạo của Nhật Bản, có lẽ các thừa sai đã dựa vào danh tiếng đang lên của con người Avignon nầy để mang cho cuốn sách được phổ biến rộng rãi hơn.” (5)

2. Vấn đề thiếu cập nhật thông tin.

- Ông viết: ‘Alexandro tự ý ghép tên mình thêm chữ de kệch cỡm’.

Ông không nói mình gặp vị linh mục nào ở Avignon, nhưng nếu ông gặp người linh mục ở Avignon từng có tiếng nói thế giá trong tạp chí Études Vauclusiennes, cha Michel Barnouin, thì hẳn ông biết rằng, từ năm 1994, cha đã tra cứu các sổ sách rửa tội và những văn kiện hành chánh dân sự tại Avignon để tìm ra gia phả của Alexandre de Rhodes; và cha đã cho thấy dòng họ của Alexandre từng mang chữ ‘de’ từ lâu đời; bằng chứng là ông tổ của Alexandre, sống vào đầu thế kỷ thứ 16, có tên bằng tiếng Tây Ban Nha là ‘Juan Chimenes de Ruedes’ , mà nếu đọc theo tiếng Pháp là ‘Jean Chimène de Rhodes’. (6)

- Ông cũng viết: “Có lẽ trước sự hoang mang, bán tín bán nghi, không biết lễ chủ nhật nằm đầu tuần hay cuối tuần nên Rhodes sinh ý Phép giảng tám ngày.”

Nếu Ts Hường tra cứu tài liệu Công Giáo thì hẳn đã biết rằng, trong Cựu Ước, một người muốn xác định mình theo Thiên Chúa thì phải chịu cắt bì (cắt da qui đầu) vào ngày thứ tám (7). Sau này, khi một người muốn gia nhập Công Giáo thì phải chịu bí tích Thanh Tẩy (cũng còn gọi là phép Rửa Tội). Vì thế mà Alexandre đã xếp những bài giảng trong vòng 8 ngày để cho một dự tòng nhận phép Rửa Tội.

Điều này được ông cho thấy rõ ngay ở tựa cuốn sách mình: “Phép giảng tám ngày. Cho kẻ muốn chịu phép rửa tội, mà vào đạo thánh Đức Chúa Trời” . Sở dĩ ông dùng tám ngày là vì ông muốn đi theo truyền thống Công Giáo, chứ không phải vì ‘hoang mang’ như Ts Hường khẳng định. Thực ra, ông biết rất rõ giáo huấn của một trong những Tiến sĩ Giáo Hội là thánh Âu Tinh: “Dù đứa trẻ được rửa tội bất cứ ngày nào sau khi ra đời thì cũng đúng nếu ta bảo rằng trẻ ấy chịu cắt bì vào ngày thứ tám , vì cháu bé ấy được cắt bì trong Đấng mà, vì sống lại ba ngày sau khi chết, nên đã thực sự sống lại ngày thứ tám trong tuần ” (8)

- Ngoài những vấn đề nho nhỏ trên, còn lời buộc tội Alexandre de Rhodes là ‘đạo công trình’. Vấn đề này, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu đã làm rõ qua bài viết “Về bài báo vu khống và phỉ báng Cha Đắc Lộ’ , đăng trên tuần báo Công Giáo & Dân Tộc, số 1592. Mặt khác, những vấn đề chính yếu ấy, chẳng hạn vai trò của Alexandre de Rhodes, hoặc chữ quốc ngữ dựa trên phiên âm Bồ Đào Nha, thì Roland Jacques (9) đã nghiên cứu tận nguồn, và phổ biến những công trình của mình từ năm 1995 cho đến nay, đặc biệt là trên tập san Định Hướng (10).

Không biết những khẳng định của TS Hường năm 1999 về việc ông nghi ngờ Alexandre de Rhodes có trùng lắp với suy nghĩ của Roland Jacques hay không, nhưng Roland Jacques chính là người đã phát hiện bức thư của Francisco de Pina vào tháng 07 năm 1994 tại Biblioteca da Ajuda ở Lisbonne (11). Trong bức thư ấy, Pina cho biết về công việc soạn thảo những tài liệu viết bằng quốc ngữ; và dựa vào bức thư ấy, Roland Jacques là người đầu tiên có chứng cứ để đặt lại vấn đề về người cha đẻ của chữ quốc ngữ. Vì thế, tôi xin ghi lại những nhận xét của ông về bài báo của Ts Hường, với tư cách là đồng tác giả cho bài phản hồi này. Phần sau đây là bản dịch bức thư của ông gửi cho tôi.

II. Nhận định của Tiến sĩ Roland Jacques (Dương Hữu Nhân).

* 1. Những chuyến đi của Giáo sư Hường đến Macao và Avignon không có giá trị gì đối với những vấn đề mà ông nêu lên. Các bản văn chính gốc từ tay của de Rhodes mà hiện nay còn tồn tại thì được cất giữ ở Rôma, tại Phòng Lưu Trữ lịch sử của Dòng Tên, tại Phòng Lưu Trữ Quốc Gia hay Phòng Lưu Trữ của Propaganda Fide; như thế, lá thư độc đáo mà Gs. Hường có trong tay là một bản sao (photocopy) của một phóng ảnh trích ra từ một trong các tập sách; ngoài ra còn nhiều bản văn được viết sau đó nữa.

* 2. Rhodes không phải là người Y Pha Nho (Tây Ban Nha). “Y Pha Nho gốc Do Thái” theo một vài dị bản, ấy là truyền thuyết mà vài tác giả đề ra. Truyền thuyết này đã bị phủ nhận qua những nghiên cứu chiều sâu mà Michel Barnouin thực hiện khi tra cứu các văn kiện lưu trữ của thành phố Avignon. Một trong các ông tổ của Rhodes hẳn là đến từ Aragon; riêng Alexandre de Rhodes thì lại là một người dân Avignon và dòng họ của ông theo Công Giáo từ nhiều thế hệ trước. Thế thì xin để yên nước Y Pha Nho. Nước này chẳng dính dấp gì đến sự nghiệp của Rhodes. Rhodes cũng chẳng phải là một người Pháp. Ông không ra đời trên nước Pháp. Vào thời ấy, Avignon là một là một lãnh thổ của Giáo Hoàng (như Gs Hường đã biết), và vùng này chủ yếu nói tiếng Provençal, dù cũng có nói tiếng Ý và tiếng Pháp. Tiếng Provençal thì khác tiếng Pháp. Rhodes viết tiếng Pháp rất kém (nên rất ít khi viết), như Michel Barnouin đã cho biết.

* 3. Rhodes học tại Rôma. Ở đấy, tiếng La Tinh là ngôn ngữ chính tại học đường, và trong đời sống hàng ngày thì người ta thường dùng tiếng Ý. Khi Rhodes sang Á Châu (Goa, Macao v.v) thì trước đó ông đã gia nhập hoàn toàn vào Dòng Tên Bồ Đào Nha. Ông đã học tiếng Bồ Đào Nha, và ngôn ngữ này trở thành ngôn ngữ chính để làm việc. Những văn bản của ông hầu hết được viết bằng tiếng La tinh hay tiếng Bồ Đào Nha.

* 4. Về tên “Alexandre”: Thông lệ trong tiếng La Tinh, tiếng Ý và tiếng Bồ Đào Nha - một thông lệ mà hiện nay vẫn còn thấy ở Ý và Bồ Đào Nha - ấy là DỊCH tên của một người ra ngôn ngữ mà mình sử dụng (cũng giống như đối với Giáo Hoàng: Benedictus, Benedetto, Benedict, Bento, Benoît, Bênêđitô…). Như vậy tự nhiên và hiển nhiên là Rhodes cũng như những ai viết cho ông hay viết về ông đều thay đổi chính tả, tùy theo trường hợp: Alexandre, Alexandro, Alessandro, Alejandro hay Alexander, và theo tiếng Hán Nôm là Á-lịch-san. Trong những văn bản bằng tiếng Pháp hay tiếng Bồ, Rhodes luôn ghi là ‘Alexandre’, vì đó là dạng đúng cho hai ngôn ngữ ấy. Từ đấy, không thể rút ra được một điều gì cả về tên của ông khi thấy một bản văn mà ông ghi là Alexandro: đấy chỉ là một trong các biến thể của tên ông.

* 5. Họ của ông là ‘Rhodes’ hay ‘de Rhodes’ thì cũng ở trường hợp tương tự. Ví dụ, trong Wikipedia tiếng Pháp, ta đọc ở mục “particule onomastique” (chữ đệm trước họ) : “Ngược với ý nghĩ rập khuông, chữ đệm (De) KHÔNG THỂ XEM TRONG BẤT CỨ TRƯỜNG HỢP NÀO như là một dấu chỉ của hàng quí tộc (trái lại, thiếu chữ ấy thì cũng không phải là phủ nhận tính chất quí tộc)”. Cái trò thêm vào chữ đệm để ‘quí tộc hóa’ họ của mình (như Giscard d’Estaing) khởi sự ở nước Pháp vào thời Đế Chế Thứ Hai (Second Empire: hậu bán thế kỷ XIX). Thật là .... (người dịch tự ý bỏ một chữ) khi nghĩ rằng chữ đệm ấy có thể đóng một vai trò nào đó vào thế kỷ XVII!

Dù sao, trường hợp của Rhodes cũng không dính dấp gì đến giai cấp quí tộc, nhưng họ của ông có thể liên quan đến nguyên quán. Có gì là quí tộc trong những cái họ tầm thường như Delarue / Larue (= con đường), Dupont / du Pont (= cây cầu), Moulin / du Moulin (= cối xay), Desfossés / des Fossés (= hầm hố)? Trong tiếng Provençal, ‘de Rhodes’ có nghĩa là ‘ở chỗ rừng trống’ (de la roue/clairière), và trong tiếng Tây Ban Nha, ‘de Ruedes’ có nghĩa là ‘quê quán làng Ruedes’ (tỉnh Asturias)!

Cũng như bao nhiêu người thời ông, Alexandre viết tên mình hoặc không có chữ đệm (rất thường), hoặc có chữ đệm, tùy theo bối cảnh, tâm trạng vui tươi hay buồn rầu. Thật là phí công khi phải trích dẫn vô số lần ông viết tên mình trong hồ sơ lưu trữ của Dòng Tên. Trong tiếng La tinh, chữ đệm thường không được ghi, nhưng cũng có những ngoại lệ. Tôi chỉ nêu làm ví dụ hai bản văn viết cùng một thời điểm, hiện được cất giữ trong phòng lưu trữ lịch sử ở Rôma, tại Propaganda Fide, Hồ sơ Acta da SC de PF, 1652, tập 21, tờ 10, số 31 : “Alexandro/Alexandri Rhodes” (tiếng La tinh, theo các biến cách của danh từ); và cũng tại phòng lưu trữ ấy, Hồ sơ SOGC, tập 193, tờ 484, năm 1652, số 2 : “Alessandro de Rhodes” (tiếng Ý).

Philiphê Bỉnh, một người rất ngưỡng mộ de Rhodes, chứng tỏ cho ta thấy rằng hai cách viết đều được dùng như nhau. Trong sách có tựa đề “Livro Mappa do Mundo” (Thư Viện Vatican, ngăn Codici Borgiani Tonchinesi, số 10), ông đã viết trong chương 1 bằng tiếng Bổ Đào Nha “Vida do Pe. [Padre] Alexandre de Rhodes” (Cuộc đời của Cha Alexandre de Rhodes). Ở trang 3, ông chỉ viết có ‘Rhodes’, sau đó, trong một văn bản tiếng La tinh (trang X), ông lại viết ‘Rhodius’, mà nếu dịch ra cho đúng thi phải là ‘de Rhodes’, do thuộc cách (génitif) chỉ nguồn gốc. Cũng trong cuốn sách ấy, ở chương bằng tiếng Việt nói về các vị tử đạo, Bỉnh viết : “Thày cả Alexandre Rhodes”.

* 6. Giáo sư Hường dựng lên cả một luận thuyết liên quan đến tên của ngày trong tuần. Luận thuyết đó không đứng vững. Rõ ràng là tên các ngày trong tuần trong tiếng Việt xuất phát từ tiếng Bồ Đào Nha hay tiếng La tinh. Trong tiếng La tinh, Thứ Hai là ‘Feria Secunda’, được dịch ra tiếng Bồ Đào Nha là ‘Segunda-Feira’ (ngày thứ nhì); Chủ / Chúa Nhật, trong tiếng La tinh là ‘Dies Dominica’ (ngày của Chủ / Chúa), và sang tiếng Bồ Đào Nha thì được rút gọn thành Domingo. TOÀN BỘ các thừa sai vào thời ấy tại Việt Nam, kể cả Alexandre de Rhodes, đều sử dụng thông thạo tiếng La tinh để cầu nguyện và để viết những tác phẩm có tính khoa học, và dùng tiếng Bồ Đào Nha để trao đổi hàng ngày và viết thư cho nhau. Không có một dữ liệu nào cho phép xác nhận rằng các linh mục thừa sai (= họ) là những người đặt tên các ngày trong tuần Việt Nam, hoặc phủ nhận việc họ đặt tên cho các ngày ấy; đấy là chưa kế đến việc cho rằng Alexandre de Rhodes ‘hoang mang’ không biết phải xem Chủ Nhật là đầu tuần hay cuối tuần... Quả là lạ lùng nếu có một tác giả khả kính nào lại rút ra từ đấy những kết luận táo bạo mà ta có thể đọc được trong bài viết của Giáo Sư Hường.

* 7. Chưa bao giờ Rhodes đòi quyền làm cha đẻ chữ quốc ngữ. Chính hậu thế, nhất là vào thời kỳ thuộc địa, đã tặng cho ông danh hiệu ấy. Chưa bao giờ ông muốn phớt lờ đối với sự đóng góp chủ yếu của những bậc tiền bối và cộng tác viên của ông. Chính ông là người đã tôn vinh, trong lời nói đầu cuốn tự điển, những công trình của Pina, Amaral và Barbosa. (trong ngoặc đơn : tên của người đầu tiên thì người ta viết có lúc là ‘Francisco Pina’ có lúc là ‘Francisco de Pina’, và người thứ hai thì ‘Gaspar Amaral - Gaspar de Amaral - Gaspar do Amaral hoặc d’Amaral’... !) Chính Rhodes đã viết, ở số nhiều, rằng cuốn sách được xuất bản dưới tên ông là ‘phương pháp mà CHÚNG TÔI sử dụng để trình bày các mầu nhiệm...’. Khi ông ghi tên mình ở ngoài bìa của hai tác phẩm này (mà có chắc là chính ông đã tự tay viết lấy hay do nhà in ghi tên tác giả?), thì điều đó chỉ nói lên rằng chính ông, với sự đồng ý của các bề trên, là người cuối cùng chính thức chịu trách nhiệm về cuốn sách ấy.

Dù sao đi nữa, không thể phủ nhận sự kiện là Rhodes đã có công lớn đối với Việt Nam và đối với chữ quốc ngữ. Hẳn là ông không đáng bị mạt sát trong một bài báo đăng trên Người Lao Động và những tập san phổ biến rộng rãi trên đất nước Việt Nam, rồi sau đó chuyển lên Internet. Tên tuổi của ông cần được tôn vinh như là một biểu tượng của thành công trong một công trình đáng ngưỡng mộ, mà ông đã cộng tác thực hiện trong môi trường giao lưu văn hóa tại Việt Nam vào tiền bán thế kỷ thứ XVII.

Như tôi từng viết trong bài ‘Đối thoại với Phan Đình Cho’ , một chương trong cuốn

‘Các thừa sai Bồ Đào Nha...’:

“Cuối cùng, công trình của de Rhodes là gì? Ở đây, ta lại đi vào lãnh vực giả thuyết :

- Giả thuyết tối đa: Rhodes tham khảo những gì đã có trước, nhưng ông tự tay viết một tác phẩm hoàn toàn độc đáo, toàn bộ là từ ngòi bút của mình.

- Giả thuyết tối thiểu: Rhodes chỉ xem lại và sửa chữa một bản văn đã viết xong hoàn chỉnh, và chỉ ghi tên mình lên đó để bảo chứng.

Theo thiển ý, không thể nào có thể loại trừ hoàn toàn bất cứ giả thuyết nào trong hai giả thuyết trên. Nhưng tôi nghĩ rằng sự thật thì nằm đâu đó ở giữa hai thái cực ấy. Bởi lẽ rất khó mà tìm ra chứng cứ, vì thế ta nên thận trọng. Hẳn là tôi hơi thiếu thận trọng khi đề ra một giả thuyết chưa ai nêu và có vẻ gây xáo trộn. Tôi không ân hận vì đã nêu ra giả thuyết ấy.”

* 8. Chính tả của chữ ‘Annnam’ - mà Gs Hường cho là bằng chứng về sự ngu dốt của de Rhodes - chỉ là một sơ sót do người sắp chữ thiếu tập trung, như vẫn xảy ra với bất cứ tác phẩm in ấn nào khác! Khi nhìn vào nhiều lỗi chính tả trong các bài viết của Giáo Sư Hường (ví dụ, ‘feria secundo’ thay vì ‘segunda feira’ trong tiếng Bổ Đào Nha, chỉ ngày Thứ Hai - hoặc ‘Manual Teixera’ thay vì ‘Manuel Teixeira’ ), thì ta không biết phải nghĩ làm sao về lời mỉa mai của ông đối với Alexandre de Rhodes; và thật sự, ta không còn gì để nói thêm nữa!

III. Những dư âm còn đọng lại.

Tiến sĩ Roland Jacques không còn gì để nói, nhưng tôi thì còn. Đọc những câu mào đầu của T.S Hường: ‘Bài viết này có tính chất nghiên cứu khoa học .... với mong muốn làm sáng tỏ lịch sử chữ quốc ngữ ’, rồi đọc trọn bài viết của ông, tôi khá ngỡ ngàng vì ông đã mạt sát Alexandre de Rhodes hơn mức cần thiết để làm sáng tỏ lịch sử chữ quốc ngữ. Mà việc ‘làm sáng tỏ lịch sử chữ quốc ngữ’ thì nhiều nhà chuyên môn đã đi xa lắm rồi, trong khi đó, văn phong mang tính mạt sát trong một bài nghiên cứu lại vô cùng hiếm thấy dưới ngòi bút của một nhà khoa học, nhất là khi người ấy chưa nắm đủ yếu tố để kết luận, mà mọi sự chỉ còn là giả thuyết. Những lời buộc tội của ông làm tôi nhớ đến một bài khác của tác giả Bùi Kha. (12) Khởi đầu ông trích dẫn một đoạn văn của Gs Nguyễn Lân:

“Năm 1993, nhân kỷ niệm 335 năm ngày mất của Alexandre de Rhodes, Trung tâm KHXH và NV đã tổ chức hội thảo khoa học về cuộc đời và sự nghiệp của Alexandre de Rhodes, GSTS Nguyễn Duy Quý đã kết luận: Trước mắt, đối với Alexandre de Rhodes – như chúng ta đã có kiến nghị với chính phủ – để thiết thực ghi nhận những đóng góp của ông, chúng ta sẽ tiến hành đưa tấm bia ghi công ông trong việc điển chế hóa chữ Quốc ngữ vào khuôn viên thư viện quốc gia và sẽ khôi phục lại tên phố Alexandre de Rhodes ở thành phố Hồ Chí Minh...”

Dựa trên đó, Bùi Kha nhận định như sau:

“Đoạn văn nầy, một lần nữa, cho thấy các giáo sư, các nhà khoa học trong cuộc hội thảo nói trên đã không tìm hiểu rõ ràng nên đã sai lầm trong việc kiến nghị với chính phủ để ghi nhận, thay vì lên án, Linh Mục A. de Rhodes. Nguyên nhân chính dẫn đến việc khôi phục lại địa vị của Alexandre de Rhodes như trên, được Giáo Sư Chương Thâu trình bày rõ hơn trong bài “Từ Một Câu Chữ Của Alexandre de Rhodes Đến Các Dẫn Dụng Khác Nhau”. Theo bài viết nầy thì trong cuộc hội thảo tháng 3.1993 nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, Giáo Sư Sử Học Đinh Xuân Lâm và cả Giáo Sư Chương Thâu đã đồng ý với Linh Mục Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên dịch cụm từ “Plusieurs Soldats” là “mấy chiến sĩ” và còn chú thích, chiến sĩ ở đây được hiểu là “lính thừa sai” tức là “các giáo sĩ” chứ không phải lính chiến là các người có súng để đánh giặc. Vì việc dịch sai lầm nên mới đưa đến có kiến nghị phục hồi vị trí (sai lầm) cho ông A. de Rhodes như vừa nói trên.

... Linh Mục Alexandre de Rhodes viết rất rõ: “Tôi nghĩ nước Pháp là nước ngoan đạo nhất thế giới, nước Pháp có thể cung cấp cho tôi nhiều binh lính (Plusieurs Soldats) để chinh phục tòan cõi Phương Đông (la conquête de tout l’Orient.” ... Nước Pháp hay nói đúng hơn là chính phủ Pháp thì không thể có lính thừa sai mà chỉ có lính chiến (Soldats) mà thôi. Và chỉ trong giáo hội Pháp mới có “lính” thừa sai (missionnaires).

... Đoạn văn trên đã cho thấy, chính Linh Mục Alexandre de Rhodes đã nhờ Giám Mục thành Puy, Henri de Maupa cũng là tuyên uý của Hòang Hậu vợ vua Luis, dẫn vào triều đình để vận động xin giúp nhiều lính chiến ( Plusieurs Soldats ) để chinh phục tòan cõi Đông phương ( la conquête de tout l’Orient , trong đó có Việt Nam). Tuy sự vận động đó chưa thành hình vào thời điểm của ông, nhưng nó đã mở đường cho Pháp xâm lăng nước ta 206 năm sau. Lính Pháp đổ bộ lên Đà Nẵng ngày 1.9.1858.

Thế mà một số các nhà nghiên cứu của ta, bảo hoàng hơn vua, lại cứ muốn “cưỡng ép” ông Rhodes (Đắc Lộ) phải đóng vai cha đẻ chữ quốc ngữ cho bằng được, và tìm cách chối bỏ cái tội mà ông đã vào trong triều đình Pháp vận động để Pháp đánh chiếm nước ta...”

Rõ ràng là Bùi Kha căn cứ trên hai cụm từ trên mà lên án Alexandre de Rhodes ‘vận động để Pháp đánh chiếm nước ta ’. Ông cứ chắc như đinh đóng cột rằng mình hiểu đúng mọi nghĩa của tiếng Pháp. Dù sao đi nữa thì một người Pháp là tiến sĩ Roland Jacques cũng từng viết như sau:

“ Chúng tôi sẽ đề cập đến lối phê phán này... và không tranh cãi theo tiên kiến ý thức hệ, nhưng dựa vào những nguồn tài liệu đang có. Sự thực thì Alexandre de Rhodes đôi khi đã dùng một lối nói bóng bảy trong các tài liệu ông đã xuất bản: "Tôi đã nghĩ rằng Pháp quốc vốn là vương quốc sùng đạo nhất trên thế giới, hẵn có thể có thể cung ứng cho tôi nhiều chiến sĩ lên đường chinh phục toàn Đông phương, để đưa về Chúa Giêsu Kitô, và đặc biệt tôi mong xứ ấy giúp tôi có được những giám mục, là những bậc làm cha, làm thầy của chúng tôi trong các giáo hội ấy ...”

Thế mà có những bậc học giả ở cấp đại học từng giải thích các hình ảnh tỷ dụ trong ngôn ngữ sùng đạo ‘chiến sĩ’ theo nghĩa đen của chúng! Còn thành ngữ mà tây phương thường dùng ‘romanisation du vietnamien’ (La Mã hóa tiếngViệt) lại là một sự trùng hợp rủi ro dễ tạo hiểu lầm. ‘Romanisation’ (La Mã hóa) có thể bị hiểu sai như là một ‘sự sửa đổi ngôn ngữ bởi những người Roma’ (người Âu Châu) theo quan điểm riêng của họ với những âm hưởng tiêu cực của chủ nghĩa thực dân. Kỳ thực, đây là lối diễn tả các âm tố của tiếng nói Việt Nam dựa vào một hệ thống mẫu tự của vần La tinh, thay vì dựa vào các âm hiệu lấy từ hệ thống chữ viết Trung Hoa. Vì sử dụng đã quen, thuật ngữ đó bất đắc dĩ phải lặp lại”. (13)

Nhìn lại như thế, khi đọc những lời lẽ phê phán của TS Phạm Văn Hường đối với Alexandre de Rhodes, tôi tự hỏi có nên tin lời của ông chăng, khi ông bảo rằng “mọi ý kiến phản biện, tranh luận, tác giả sẵn sàng lắng nghe” ? Bởi vì một bài viết với văn phong hậm hực và đay nghiến như thế thì đã vượt quá giới hạn của ‘tính chất nghiên cứu khoa học’ mà ông tuyên bố ở những dòng đầu tiên của bài mình. Và đó là dư âm còn đọng lại sau khi đọc bài của ông.

---------------------

Chú Thích:

1. Có thể đọc lại bài ấy trên website Người Lao Động, ở địa chỉ này:

http://www.nld.com.vn/tintuc/the-gioi/ho-so-tu-lieu/176647.asp

2. Arts and Literary E-Magazine (Văn Học Nghệ Thuật) số 463 - 13/8/1999

3. ibid. “Father Manual Teixera, a Portuguese Jesuit missionary of 84 years just as I met him in Macao, made me part of his deep conviction that Rhodes signed a dictionary that he never wrote”

4.Đức ông Manuel Teixeira là một người từng viết nhiều tác phẩm liên quan đến thời kỳ Bồ Đào Nha truyền giáo tại Việt Nam. Có thể tham khảo một số bài viết sau của Teixeira, Manuel: Missionários Jesuítas no Vietnão, Macao: Centro de Informação e Turismo, 1964. – 93 p.; As Missões portuguesas no Vietnam. – Macao, Imprensa nacional, 1977. – 554 p. [Macau e a sua diocese, t. 14]; Relações comerciais de Macau com o Viêtnam, Macao: Imprensa Nacional, 1977. – 259 p. [Macau e a sua diocese, t. 15] và nhất là những bài viết từ 1951 đến 1960 của ông với tựa đề “Os Missionários portugueses no Vietnão,” trong Boletim Eclesiástico da Diocese de Macau.

Cần nói thêm rằng Đô. Manuel Teixeira là một giáo sĩ triều Bồ Đào Nha có tinh thần ‘quốc gia’ mãnh liệt. Ông không có cảm tình với Alexandre de Rhodes, một linh mục dòng Tên gốc Avignon, và trong các bài viết của mình, những nhận xét của ông về Alexandre de Rhodes không hoàn toàn khách quan.

5. Roland Jacques - Bồ đào nha và công trình sáng chế chữ quốc ngữ : Phải chăng cần viết lại lịch sử?, đăng lần đầu trên Định Hướng, số 17, 1998. Có thể tham khảo trên website của BBC tại địa chỉ: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/specials/1232_jacques_roland/page2.shtml ; và những trang kế tiếp.

6. Cf. M. Barnouin - La parenté vauclusienne d’Alexandre de Rhodes (1593-1660), trong Mémoires de l’Académie de Vaucluse (Avignon), Số 8, tháng 4, 1995, trang 9-40.

7. Sách Lê vi, chương 12, câu 5.

8. “Quocumque igitur die suae nativitatis infans baptizatur in Christo, tamquam octavo circumciditur die: quoniam in illo circumciditur, qui tertio quidem ex quo crucifixus est, sed octavo in hebdomadibus resurrexit die”. Thánh Âu Tinh: De Gratia Christi et de Peccato Originali contra Pelagium... - Liber secundus - De Peccato Originali - Số 37.

9. Roland Jacques, quốc tịch Pháp, bút danh tiếng Việt là Dương Hữu Nhân, khoa trưởng khoa Giáo Luật trường Đại Học Saint Paul, Ottawa, tuy là tiến sĩ lịch sử luật - Đại Học Paris XI, tiến sĩ giáo luật - Institut Catholique, nhưng lại là một nhà nghiên cứu có uy tín về chữ quốc ngữ, bởi vì ông từng lấy bằng cử nhân tiếng Việt và thạc sĩ về Ngôn Ngữ và Văn Hóa Đông Phương với luận văn: Công trình của vài nhà tiên phong Bồ Đào Nha trong lãnh vực ngữ học Việt Nam cho đến năm 1650 (L’oeuvre de quelques Pioniers Portugais dans le domaine de la linguistique vietnamienne jusqu’en 1650). Sở dĩ công trình nghiên cứu ngôn ngữ của ông phong phú ấy là nhờ ông biết nhiều thứ tiếng: ngoài tiếng Pháp, Anh và Việt, ông còn nắm vững tiếng Ý, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, La tinh, Hy Lạp và có ít nhiều kiến thức về tiếng Hoa; hơn nữa, ông có nhiều cơ hội để truy tầm tận nguồn các văn kiện lịch sử liên quan đến lãnh vực mình nghiên cứu tại Pháp, Ý, Bồ Đào Nha, Macao và Việt Nam.

10. Từ năm 1997, Định Hướng là tập san đã tiên phong đăng hầu hết những bài viết của Tiến Sĩ Roland Jacques, gồm 13 bài liên quan đến các nhà thừa sai Bồ Đào Nha và tiến trình hình thành chữ quốc ngữ. Sau đây là những bài tiêu biểu nhất:

1. Các nhà tiên phong người Portugal và ngôn ngữ học Việt Nam. Định Hướng. 34:148-160, 2003.

2. Một tài liệu ngôn ngữ học đối chiếu Nhật–Hoa–Việt biên soạn tại Áo Môn (Macao) năm 1632. Định Hướng, 33:4-26, 2002 ;

3. Liên quan đến các cuốn tự điển và giáo lý của Alexandre de Rhodes. Định Hướng. 32:33-39, 2002.

4. Tên tiếng Việt của thầy giảng Anrê Phú Yên (安德, 安移富安): Nghiên cứu lịch sử và ngôn ngữ học. Định Hướng. 18:56-72, 1998.

5. Công cuộc truyền giáo tại Quảng Nam năm 1623 và vấn đề ngôn ngữ: Bức thư của Francisco de Pina. Định Hướng. 29:20-51, 2001.

6. Bồ đào nha và công trình sáng chế chữ quốc ngữ: Phải chăng cần viết lại lịch sử? Định Hướng. 17:18-62, 1998

11. Sau khi phát hiện bức thư của Pina năm 1994, Roland Jacques nói về bức thư này trong bài “Để hiểu nguồn gốc chữ quốc ngữ: một bức thư chưa được công bố của Francisco de Pina”, trên tập san Ngôn Ngữ [TTKHXHNV] Việt Nam, Hà Nội, 1966 - Bản dịch với những nghiên cứu dưới dạng chú thích được đăng lại trên Định Hướng năm 2001, số 29 ; và trên Nguyệt San Công Giáo và Dân Tộc năm 2002, số 90. Cuối cùng toàn bộ công trình nghiên cứu để xác định tiến trình hình thành chữ quốc ngữ, mà Pina là một người tiên khởi, đã trở thành một chương trong cuốn sách song ngữ Anh Pháp (và hy vọng bản dịch tiếng Việt sẽ ra mắt một ngày gần đây) tựa đề là : Portuguese Pioneers of Vietnamese Prior to 1650. L’Œuvre de quelques pionniers portugais dans le domaine de la linguistique vietnamienne jusqu’en 1650 (Bangkok, Orchid Books, 2002).

12. Bùi Kha - Alexandre de Rhodes - Những Nhầm Lẫn Đáng Tiếc. Websites Talawas và Giao Điểm: http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III04/704_buikhaII.htm

13. Roland Jacques - Bồ đào nha và công trình sáng chế chữ quốc ngữ... Cf chú thích 5.

 

 

Lau tấm kính cửa sổ tâm hồn

Hầu như khắp nơi bây giờ nhà cửa, nhất là những tòa nhà cao tầng, có nhiều cửa kính. Qua lớp kính trong ánh sáng mặt trời chiếu sáng căn phòng nhà cửa. Ánh sáng chỉ có thể chiếu sáng xuyên qua lớp kính vào bên trong nhà, nếu lớp kính trong sáng. Khi lớp kính trong sáng sạch không vết tì nhọ, không những ánh sáng chiếu dọi qua được vào nhà, mà còn từ bên trong nhà có thể nhìn cảnh vật bên ngoài rõ nét nữa.

Thánh nữa Edith Stein, một nữ tu dòng kín gốc người Do Thái, năm 1942 bị giết bằng hơi ngạt trong lò tập trung và năm 1988 được tôn phong lên hàng Hiển Thánh trong giáo hội, đã viết để lại suy tư: „ Bạn phải làm sao trong sáng như cửa sổ lát ráp kính. Qua đó tình yêu Thiên Chúa mới chiếu tỏa trong trần gian. Đừng để lớp kính bị dơ bẩn làm lu mờ. Vì nếu như thế nó sẽ ngăn cản ánh sáng chiếu tỏa ra .“

Khi đọc nghe Lời Chúa trong Phúc âm nhắn nhủ: “ Con hãy rửa mặt cho sạch sẽ khi ăn chay” ( Mt 6,17), làm ta nhớ lại lời suy tư của Thánh nữ Edith Stein. Lau chùi tấm kính cửa sổ tâm hồn còn sâu xa hơn nữa. Và đó cũng là ý nghĩa việc sống mùa chay.

Lau kính cửa sổ người ta thường dùng nước có pha chất thuốc tẩy rửa. Lau chùi lớp kính cửa sổ trái tim tâm hồn dùng phương thức tự kiềm chế bản năng tính tình của mình. Như bớt đi việc ăn uống theo ý thích, giảm bớt thời giờ „ chat“ hay xem phim ảnh qua Internet, qua truyền hình hay giảm bớt những hoạt động ồn ào náo nhiệt.

Thay vào đó, dành thời giờ cho gia đình cha mẹ con cái, vợ chồng, bạn bè, thời giờ đọc sách báo lành mạnh, bạn trẻ dành thời giờ học hành thêm.

Lau chùi cửa kính cho sạch còn cần đến miếng vải sạch nữa. Lau chùi cửa sổ tâm hồn cần sự chia sẻ với ngừơi khác, nhất là với những người xấu số nghèo túng. Khi chia sẻ với người khác vật chất cụ thể, lẽ dĩ nhiên chính ta sẽ ít đi. Nhưng qua đó ta sẽ thấy những gì xung quanh ta ta xảy ra rõ hơn.

Cửa kính không chỉ được lau chùi bằng nước thuốc tẩy, bằng khăn cọ kì cho sạch vết bẩn, nhưng còn được lau chùi cho khô cho bóng không còn tì vết ngang dọc đọng trên lớp kính nữa. Cầu nguyện là phương thức giúp lau chùi cửa sổ tâm hồn cho khô sạch không có vết tì ố ngăn cản hướng tầm nhìn của tâm hồn tới Thiên Chúa, Đấng là nguồn ánh sáng. Và ánh sáng đó chiếu tõa tới tấm kính cửa sồ tâm hồn ta. Và từ cửa sồ tâm hồn ta, ánh sáng của Ngài được chiếu tỏa lan tiếp rộng ra xung quanh.

Qua cầu nguyện với Chúa, tâm hồn lấy lại được sự tin tưởng, Đấng hằng gần gũi và giúp đỡ ta trong cuộc sống làm người.

Lời suy tư của Thánh nử Edith Stein nhắc : hãy là cửa sổ trong sáng để tình yêu Thiên Chúa chiếu sáng lan tỏa tới xung quanh trong trần thế.

Lm. Nguyễn Ngọc Long

 

)

 
Tro …
Là bụi đường, cuốn theo chiều gió,
Là vật dơ lẻn vào khắp chốn khắp nơi,
Ai cũng tìm cách lau chùi cho sạch.
Tro là cái gì còn lại đó
Khi tất cả đã cháy tiêu tan,
Là đô thị hoang tàn
Vì những kẻ sát nhân đã phát điên nổi lửa ;
Là mối tình bằng hữu hôm nay không còn nữa,
Vì tính ích kỷ của đôi bạn cố tri ;
Là tình yêu của đôi vợ chồng
Đã tan vỡ vì thói kiêu căng
Trong lòng anh, trong lòng chị ;
Là vẻ đẹp của ngày nào
Nay trở thành nắm tro tàn lạnh lẽo.
Tro là cái gì còn lại đó
Khi niềm hy vọng của ta bị tiêu tan ;
Là cái gì chung cuộc còn lại đó
Khi kiếp sống của ta đến hồi kết liễu.

Thế con người là gì ?
Con người không thể làm được chi
Mà một ngày kia lại chẳng thành tro bụi.
Trò tàn là dấu hiệu cho thấy ta bé nhỏ,
Dứt khoát không thể làm được chi
Có cơ may tồn tại.
Đa-vít, vua Ít-ra-en,
Tay anh hùng hào kiệt,
Đương lúc tuổi xuân, nhận biết mình tội lỗi,
Đã rắc tro lên đầu.
Vua thánh Lu-y, thấy mình sắp chết,
Đã bảo gia nhân khiêng đặt nằm trên tro
Để đi nghênh đón Chúa.
Tro bám vào thân thể
Như lớp bùn dơ :
Có ai nhận ra đó là vua nữa !
Còn đâu vàng bạc, còn đâu quyền thế !
Còn gì lôi cuốn, còn gì tươi trẻ !
Khi lớp sơn hào nhoáng đã rơi rồi,
Thì chỉ còn lại con người thôi
Với tội lỗi và yếu đuối,
Chờ Chúa đến thanh tẩy,
Gột rửa cho sạch mọi vết nhơ,
Và đưa vào dự tiệc.

Tro là những gì còn sót lại
Khi tôi đã mất đi
Vẻ hào nhoáng bên ngoài,
Và tính kiêu căng, và tài đóng kịch,
Với khả năng làm cho tôi nên quan trọng khác thường.
Tro là cái gì còn lại đó
Khi tôi đã mất đi
Những chiếc mặt nạ tôi ưa mang
Cho mình ra đẹp đẽ.
Tro tàn chấm dứt vẻ hào nhoáng bên ngoài của tôi.
Thế thì càng hay, cớ sao lại buồn ?
Kể từ nay, tôi sẽ không còn phải bận tâm
Với những gì tôi cứ nghĩ là cần cho cuộc sống :
Những thứ tôi dùng, những đồ tôi có,
Những buổi tiếp tân,
Những gì làm cho người ta lác mắt,
Dáng vẻ bên ngoài khi tôi xuất hiện.

Nếu tôi đưa mắt nhìn nắm tro tàn,
Đâu phải để vùi mình trong khốn khổ,
Hay là mang bộ mặt ê chề
Của người gặp thất bại triền miên.
Cũng không phải là để nhắc cho mình
Rằng tôi không đáng là gì cả,
Chẳng làm nên cháo cơm gì hết.
Tôi phải có gan nhận nắm tro tàn
Để biết mình rồi sẽ tới đâu
Nếu không vận dụng trí não với con tim
Để vươn mình đứng thẳng.
Tôi phải có gan nhận nắm tro tàn,
Để nhắc nhở cho mình
Rằng gặp thất bại, vẫn có thể vươn lên,
Rằng dưới lớp bùn dơ bẩn, hôi tanh,
Luôn có những báu vật còn cất giấu.
Tôi phải có gan nhận nắm tro tàn,
Để nói với tôi rằng mình bé bỏng,
Nhưng nhất là để bắt tôi phải kêu lớn tiếng
Rằng tôi có thể vượt lên trên những gì bé nhỏ,
Rằng tôi đã khá hơn hồi còn yếu đuối,
Và tay tôi có thể xây dựng một cái gì tồn tại,
Rằng tôi có thể làm chớm nở tình yêu,
Đem lại niềm hy vọng,
Đưa tay ra vỗ về âu yếm,
Chấm dứt mối khổ đau,
Trở nên bạn đồng hành của Chúa.

Thế thì, các bạn của tôi ơi,
Hãy bốc tro đầy tay và đưa mắt nhìn :
Dưới lớp tro tàn, có than đỏ rực.
Chỉ cần gió nổi lên là lửa hồng bừng cháy,
Thiêu rụi đêm đen, đẩy lùi bóng tối.

Này các bạn ơi, hãy đứng thẳng, vươn cao,
Ngang tầm Chúa vươn cao, đứng thẳng.
Đưa mắt nhìn xem : dưới lớp tro tàn,
Có cái gì Chúa đã gieo, còn tiềm tàng trong đó.
Đưa mắt nhìn xem : Chúa đến tìm ta,
Dầu ta mang dáng vẻ nào đi nữa.
Hãy lắng tai nghe : Chúa cho nổi gió,
Và từ nắm tro tàn của ta,
Lửa hồng bừng cháy.
Mãnh liệt thay, ngọn lửa mối tình ta !

Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh ofm - phiên dịch

 

SỐNG CHỨNG NHÂN

 

 

GƯƠNG BÀ MẸ HY SINH TRANH ĐẤU CHO ĐỨA CON TÀN TẬT

 

Sau đây là câu chuyện cuộc đời của Letizia, một cô bé 10 tuổi người Italia, đã được bà mẹ anh hùng tận tụy trợ giúp để vượt thắng mọi trói buộc của một cuộc sống tàn tật bẩm sinh.

Hồi năm 1978, vào một buổi tối nóng nực mùa hè, bà Maria sinh Letizia trong niềm hân hoan, mặc dù bà đã có 3 người con khác, một trai hai gái. Bà tâm sự: ”Lúc ấy, gia đình tôi đã có ba mặt con và vợ chồng chúng tôi đang ở trong một hoàn cảnh khó khăn về mặt vật chất. Khi bất ngờ có thai, nhiều người khuyên tôi phá đi cho xong, nhưng riêng tôi, tôi đã yêu thương bào thai trong bụng ngay từ khi mới mang bầu như đã từng và vẫn yêu thương các anh chị em của nó. Đối với tôi, con cái là phép lạ lớn lao và tuyệt vời nhất mà Thiên Chúa ban cho con người.”

Như mọi trẻ sơ sinh khác, Letizia chỉ ăn rồi ngủ hầu như suốt ngày khi mới lọt lòng mẹ. Tuy nhiên linh cảm bén nhậy của người mẹ làm cho bà Maria nhận ra được một vài dấu hiệu bất thường nơi đứa con yêu quý. Bé Letizia thường nằm co quắp hình chữ U, hậm hự thốt những âm rất lạ từ cuống họng chứ không phản ứng bình thường như những hài nhi khác. Nhưng các bác sĩ đều trấn an bà và nói rằng đây là đều bình thường vì trí não của bé Letizia chưa hoàn toàn phát triển.

Con đường dẫn xuống địa ngục khởi đầu với các lần đi bác sĩ đầu tiên. Sau bao nhiêu cuộc khám nghiệm, bản án chung kết được bác sĩ chuyên khoa thần kinh báo cho bà Maria và chồng là ông Tony Costanzo biết: Letizia bị chậm trí nặng nề, tốt hơn cả là nên gửi cô bé vào một trung tâm chuyên môn và cam chịu số phận hẩm hiu của con.

Phản ứng đầu tiên của bà Maria là phẫn uất, tự hỏi tại sao Thiên Chúa lại gửi đến cho bà một gánh nặng dường này. Bà có cảm tưởng như bị bỏ rơi, phải mò mẫm và dọ dẫm bước đi từng bước trong đêm đen tối. Cả một thảm kịch đổ ập trên gia đình bà. Bà không thể nào nghĩ đến chuyện đem đứa con yêu dấu bỏ vào trung tâm chuyên môn chữa trị, một thứ nhà tù không có lính canh gác, để chờ chết. Tình yêu hiền mẫu thúc đẩy bà Maria ngẩng cao đầu cắn răng tiến tới, tranh đấu chống lại mọi loại bệnh bàn giấy hay thiếu sót cơ cấu tổ chức, không đầu hàng trước những lời chẩn bệnh mập mờ, không để cho sự tuyệt vọng xâm chiếm trọn tâm hồn và đẩy mình chìm sâu vào địa ngục đau khổ.

Được sự trợ lực của chồng và của ba người con lớn, bà Maria can đảm tìm cách giúp con gái yêu có được một cuộc sống xứng đáng hơn. Bao nhiêu là bác sĩ chuyên khoa về não và thần kinh hệ đã khám nghiệm Letizia nhưng không đem lại được kết quả nào. Cho đến một ngày nọ, bà Maria nghe nói đến một bác sĩ người Mỹ là ông Carl Delacato, có phòng khám bệnh tại Napoli, Nam Italia. Tại đây, bác sĩ Delacato cũng đã thành lập một hiệp hội quy tụ những gia đình có con em bị bệnh về não. Bác sĩ Carl Delacato tìm ra được nguồn gốc bệnh trạng của Letizia: một vùng não của cô bé bị bệnh làm biến thành một loại máy phóng đại tất cả mọi cảm thức, khiến Letizia không chịu đựng nổi và phản ứng bằng cách tự làm tê liệt hẳn hệ thống thần kinh.

Tin này đã là một tia sáng hy vọng lóe lên trong đêm đen bao phủ Letizia, vì bác sĩ Delacato đã có thể thiết định một chương trình chạy chữa nhắm mục đích hồi phục các sợi liên bào vùng não Synapse. Chương trình hồi phục này đòi hỏi sự hiện diện liên tục của người lớn suốt nhiều giờ trong ngày bên cạnh Letizia, và riêng gia đình bà Maria thì không thể chu toàn được trọn chương trình. Thế là từ đó, nhiều người tự nguyện phục vụ thay phiên nhau đến ở hẳn trong gia đình này một thời gian để giúp bé Letizia.

Chỉ một thời gian ngắn sau đó, bé Letizia dần dần phục hồi các hoạt động tâm trí. Cơn ác mộng của gia đình bé đang từ từ qua đi và cô bé dễ thương này lần mò thoát ra khỏi địa ngục bệnh tật ngoi lên với ánh sáng mặt trời. Đến tuổi đi học, Letizia được cắp sách đến trường như mọi trẻ em khác. Lên 10 tuổi, Letizia chạy nhảy cười đùa huyên thuyên nói như sáo sậu với bạn bè và anh chị em trong nhà.

Nhìn con gái út cười nói, bà Maria thầm nghĩ nếu nghe theo lời khuyên của các bác sĩ cách đó 10 năm, có lẽ chẳng bao giờ Letizia còn sống được cho đến ngày nay. Trên cánh cửa nhà, bà cho ghi hàng chữ: ”Im lặng, Phép lạ đang xảy ra”. Phải, phép lạ đó chính là Letizia đang tiếp tục diễn ra hàng ngày với sự kiên trì tranh đấu của cả gia đình. Ông bà Tony Costanzo và Maria Bellini thành lập một hiệp hội mang tên Letizia, hiện diện trên cả liên mạng Internet, để giúp đỡ các gia đình cùng ở trong hoàn cảnh này có thể tìm được lối thoát (La Favola di Letizia, Jesus, Nov. 1998)

Mai Anh

TÌNH YÊU – HÔN NHÂN – GIA ĐÌNH

Tâm lý giáo dục :

 

Hành trang vào đời – Nói chuyện về tình yêu

 

TÌNH YÊU

YÊU NHAU & YÊU CHÚA THÁNH THỂ

 

 

Cánh cửa nhà tạm của nhà thờ Đức Bà Lâm Viên Đà Lạt thuộc dòng Đức Bà của chúng tôi có hình chén thánh và hai con chim Bồ Nông, loài chim khi không tìm đủ thức ăn cho con, chúng lấy chính máu mình để nuôi con. Hình ảnh này đã gợi cho tôi những suy nghĩ của bài chia sẻ này.

 

 Đây là biểu tượng tình thương: Tình của Chúa đối với mỗi người và tình cha mẹ dành cho con. Thương đến nỗi cho đi tất cả, kể cả bản thân mình, máu là dấu hiệu của sự sống, hiến máu mình là cho đi chính cuộc sống của mình.

 

 Yêu thương là thế đấy. Tình yêu, ôi đắm đuối nhiệm mầu!

 

 Có lẽ không ai hiểu tình thương đưa đến việc trao cho, hy sinh hết… cho bằng những người cha, người mẹ. Khi trải qua kinh nghiệm nuôi con, quý ông bà mới hiểu một cách thấm thía lời Chúa:

 

 “Không ai yêu thương cho bằng

Kẻ hy sinh tính mạng vì người mình thương yêu”.

 Nhiều lần tôi đã được nghe nhiều quý ông bà chia sẻ:

 

“Tôi có tiếc  gì với con tôi đâu, cuộc đời tôi có còn lo gì cho bản thân đâu, tất cả chỉ vì con tôi thôi”.

 Có khi nào ông bà lấy chính kinh nghiệm yêu thương con cái để nghĩ đến tình Chúa đối với mình không?

 

 Không có gì khác biệt cả. Để nuôi con, loài chim Bồ Nông đã tự lấy máu mình để tiếp sức cho con, đã tự đổi mạng mình cho con được sống, đã hy sinh sự sống của mình để cứu lấy sự sống của con. Chúa chúng ta cũng đã làm như thế, lấy mạng sống mình “làm giá chuộc” cho sự sống chúng ta. (Ngay cả những người tốt lành như thầy thuốc Hơ Dun (Hàn quốc) cũng đã cắn tay để lấy máu giúp bệnh nhân hồi sinh).

 

 *Mình và Máu Chúa , một chứng tích, một bằng chứng rất cụ thể của tình Chúa. Mồi khi rước Chúa , mỗi lần quỳ trước Thánh Thể , chúng con đang hưởng ơn huệ của tình yêu, đang đón nhận tình yêu của Chúa dành cho riêng con.

 

 Lạy Chúa, chúng con sẽ làm gì trước món quà vô giá của tình yêu này? Chúng con chỉ biết đón nhận và chỉ biết đáp trả bằng tình yêu thương của mình. Nợ tình chỉ trả bằng tình.

 “Con biết lấy gì, lấy gì đền đáp, đền đáp cho cân”. Chúng con sẽ cố gắng dâng lại cho Chúa một cuộc sống đẹp lòng Chúa hơn!

 

 Lạy Chúa, chúng con rất yêu thương con cái mình, chúng con cũng sẵn sàng hy sinh chính bản thân vì con cháu. Chúng con có thể đáp trả bằng cách dâng lại cho Chúa những gì quý giá nhất của chúng con: Đó là con cháu của chúng con . Chúng con sẽ làm gì để con cháu chúng con trở nên như những của lễ đẹp lòng Chúa.

 

Nhiều lần quý phụ huynh muốn tự nhắc nhở mình:

 Hạnh phúc của bậc làm cha mẹ là gì?

 Là thấy con cái mình lớn lên vững vàng trong đức tin, bền lòng trông cậy và thờ phượng mến yêu Chúa, nên thánh? Hay thành đạt, chức cao, giàu có… ?

 

 Phụ huynh có thể chúng tỏ lòng yêu thương con đích thật qua những điều cụ thể nào? Chắc chắn có trăm ngàn cách yêu. Sau đây, xin cùng phụ huynh đề cập đến một số điều cơ bản.

 

Cầu nguyện, kiên trì cầu nguyện…

 

 “Hãy truyền đạo đức cho con cái. Chính đạo đức mới làm cho con cái quý vị sung sướng chứ không phải bạc vàng”

Beethoven

 

Giả như con cháu quý vị không nghe lời dạy dỗ, nó hư hỏng, khô khan… quý vị đã và sẽ làm gì?

 

Chắc chắn một gương yêu thương rất cụ thể mà quý vị đã từng nghe nói đến: Bà thánh Monica . Trước đứa con hư hỏng và bỏ Chúa, bà đã làm gì để biến đổi đứa con trai hư đốn của mình trở thành một giám mục, một vị thánh lớn của Giáo Hội, một người yêu mến Chúa hết con tim và hết sức mình?

 

Điều gì đã làm nên phép lạ này?

 

Xin mời quý phụ huynh suy nghĩ những lời ca sau đây về bà mẹ Monica:

“Monica, người mẹ mẫu gương,

 mười mấy năm trường khóc con xa lạc,

chỉ mong con mau bước trở về.

 Chỉ mong con mau kịp trở về,

về nguồn chân lý duy nhất đời con,

 về cùng Thiên Chúa hoan lạc đời con”

 

Người mẹ này không mong con trở về với mình , mà mong con trở về cùng Thiên Chúa là nguồn chân lý. Cái khác biệt của người mẹ thánh là ở chỗ: Làm sao cho con quay về với Chúa .

 

“Monica, trọn kiếp trần gian ước mơ một điều,

chỉ mong con nên thánh nên người.

 Lời kinh nước mắt lay chuyển lòng con,

lời kinh tha thiết biến cải đời con”.

 

Một lần nữa, người mẹ này suốt đời không chỉ mong con thành đạt, quyền cao chức trọng hay giàu có… mà chỉ mong con nên thánh nên người.

 

“Monica, ngời sáng gương lành đức tin can cường,

 Mẹ thương con biển lớn không bằng,

 Mẹ thương con lội suối băng ngàn,

Tìm con quên hết trăm đắng ngàn cay,

 Tình mẹ tha thiết thấu tận trời mây ”.

 

Nước mắt và sự cậy tin kiên vững của Monica đã động lòng Trời, và Chúa đã nhậm lời cầu xin của người mẹ khổ đau, nhưng luôn cậy dựa vào ơn Chúa giúp.

 

Chúa đã lắng nghe lời,

 lời nguyện xin trong âm thầm nước mắt

 Chúa chúc phúc cho người,

 hằng cậy trông không nao núng sờn lòng”.

 

 Dạy con về Chúa.

 

 “Tất cả trẻ con, dù ở tuổi nào cũng vậy, đều bịt tai trước những lời khuyên răn dạy bảo, nhưng chúng sẽ chăm chú, mở mắt thật to nếu người lớn làm gương cho chúng”.  Thetablet 

 

 Đầu óc con trẻ như những tờ giấy trắng, như những nấm đất sét mềm mại, muốn cho con trở nên thế nào, chúng ta cần uốn nắn chúng từ khi còn nằm trong nôi, từ khi bập bẹ biết nói, biết đi. Chúng ta cần rót vào tai chúng những lời kinh, lời Phúc Am, lời hát ru mang tính đạo đức, về Chúa, hát các Thánh vịnh, ngâm những bài thơ đạo hay và ý nghĩa… Chúng ta rót vào đầu chúng những ước muốn lành thánh như làm Dấu Thánh Giá trước khi ăn, chắp tay, phủ phục trước Mình Thánh… Giúp con ao ước trở nên người lành thánh, hướng cho con tương lai mà chúng muốn xây đắp cho bản thân: Khi lớn lên, “CON MUỐN TRỞ NÊN…”, người như thế nào?

 

 Chắc chắn thánh Autinh trong thời gian sống phóng đảng, vẫn còn vẳng bên tai những lời của mẹ nhắc nhở. Chính những gì bà Monica đã gieo, tạo nên sự giằng co trong tâm hồn… cho đến khi thánh nhân dứt khoát trở về với Chúa…

 “Lòng con luôn khắc khoải cho tới khi an nghĩ trong Chúa”.

 

 

M. Thécla Trần Thị Giồng – Dòng Đức Bà

TS Tư Vấn Tâm Lý

 

MỘT CÁI MIỆNG HAI LỖ TAI

            Chuyện xảy ra ở một công ty du lịch Hà Nội. Ông giám đốc chi nhánh đã có vợ, nhưng vợ ông lại là “người quê ở Quảng Ninh” (có nhiều mỏ than lắm!) Khi ông về nhà sau một ngày làm việc căng thẳng nơi công ty thì chẳng được một phút nghĩ ngợi. bà vợ hết than thức ăn mắt mỏ, điện nước tăng giá, lại quay bra trách mắng mấy đứa con quậy phá… Ngày qua tháng lại, bị tra tấn lỗ tai, riết ông trở thành người lạnh lùng dửng dưng.

            Bỗng có một ngày, một nhân viên cua ông, cô hướng dẫn viên dụ lịch “Sắc nước hương trời” lọt vào mắt xanh, khiến tâm hồn ông như “Nắng hạn gặp mưa rào”, giọng ông sang sảng ríu ra ríu rít mỗi khi gặp mỹ nhân. Người đẹp lại dịu dàng quyến rũ, trẻ trung hiện đại, giọng nói như mật ong, lúc nào cũng thơm như múi mít. Thế là ông đi lạc, quên car lối về!

            Kể từ khi hoa tình yêu mở cánh, khuôn mặt ông rạng rở hẳn lên, không còn đăm chiêu nữa. Sáng ông đưa “cơm” đi ăn phở, trưa dắt “phở” đi ăn cơm, tối về ăn nằm cùng “cơm” nhưng thèm “phở”.

            Bà vợ để ý đến những thay đổi bất thường của chồng, tính nhạy cảm và trực giác của phụ nữ ấy mà ! Bà cho người theo dõi, cuối cùng cũng tìm ra thủ phạm. Bà tìm đến tận nơi để “Bắt tận tay day tận mặt”, đồng thời cho “kẽ phá bĩnh” một bài học nhớ đời. Cũng may mà phát hiện kịp thời, chậm chân một bước thì “Tai bay vạ gió”, hậu quả khó lường.

Anh chị thân mến!

            Khi vui cũng như lucs buồn, chúng ta đều có chung một khát vọng, đó là được tâm sự và được ai đó lắng nghe, thấu hiểu thông cảm và chia sẻ. Vâng, nếu như người vợ biết khéo léo chia sẻ với chồng trong sự dịu dàng, từ tốn biết lựa những lúc thuận tiện để tâm sự với chồng, biết kiềm chế những bức xúc quá lố, thì hẳn ông chồng Giám đốc kia đã không phải đi tìm sự bù đắp nơi khác!

            Thực ra “lắng nghe”không chỉ là biểu hiện của sự quan tâm, mà còn là “chất dầu” bôi trơn mối quan hệ vợ chồng. Thiên Chúa dựng nên con người có một cái miệng và hai lỗ tai là để chúng ta “nói ít mà nghe nhiều”. Thánh Giacôbê dạy: “Ai không sai lỗi trong lời nói, người đó là người hoàn toàn” (Gc 3,2). Một trong những kẻ thù ta phải mau chống loại trừ, đó là tật “Đa ngôn”. Có những người nói nhiều đến nỗi “Không để cho miệng mọc da non”. iền nhân đã nhắc nhở rằng :

                        “Rượu lạt uống lắm cũng say

            Người khôn nói lắm, dẫu hay cũng nhàm”

Vì thế, không nên nói nhiều, bởi càng nói nhiều thì càng sai nhiều. Nhất là những người chuyên nói “Nhũng lời có gai”. Người xưa có câu: “Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo”. Việc đang tốt lại nói cho ra xấu, việc không cần nói lại nói ra, việc bé lại xé ra to. Vì thế, lời nói chính là “con dao hai lưỡi”, nếu biết sử dụng đúng, nó sẽ trở thành khí cụ xây dựng hoà bình. Ngược lại, nó sẽ là đao phủ, giết chết đời ta và cả những người xung quanh.

                        “Ăn lắm thì hết miếng ngon

                        Nói lắm thì hết lời khôn hoá rồ”

Về cách sử dụng lời nói, sách Huấn ca đã cho chúng ta một khuôn vàng thước ngọc;

                        “Hãy sắm cân sắm quả cho lời lẽ của con,

                        Nơi miệng con hãy có cửa đóng then cài

                        Hãy đề phòng kẻo sa ngã vì đầu lưỡi,

                        Mà lăn nhào trước mặt kẻ rình con.”

Để lời nói là những cánh hoa thơm, luôn đem lại sự vui tươi mát mẽ cho mái ấm gia đình xin tặng anh chị “3 bí quyết” sau đây:

1. Chọn lời nói thật chính xác

Khi vợ chồng nói chuyện với nhau, hãy dùng những từ ngữ thật khéo léo như: “Vâng em sẽ cố” hoặc “Có thể anh sẽ làm được” . Những lưòi đó ngụ ý như một lời hứa. Khi lời nói đi đôi với việc làm, sẽ đem đến cho nhau sự tin tưởng. Ca dao có câu:

                        “Đã nói thì giữ lấy lời,

            Đừng như con bướm đậu rồi lại bay”

Nếu không chắc thực hiện được thì đừng hứa, kẻo đánh mất niềm tin giữa vợ chồng. Tác giả Hanson có lời khuyên chí lý: “Không hứa bậy nên mình không phụ ai, không tin bậy nên không ai phụ mình”

Xin anh chị hãy nhớ: Đừng nói dối để khỏi mất niềm tin, Đừng nói ác để khỏi làm đau lòng nhau. Đừng nói mỉa mai để khỏi bị khinh miệt.

                        “Lời nói đẹp là ấm lại ba đông

                        Nửa câu dối trá làm sau tháng giá lạnh

Trong cuộc sống lứa đôi, có rất nhiều gia đình nhờ những câu nói đẹp mà vợ chồng yêu thương hạnh phúc. Nhưng cũng không thiếu những cặp uyên ương, chỉ vì những lưòi ác ý, đã làm thiêu rụi tình yêu.

2. Làm chủ giọng nói của mình

            Âm thanh cao hơn bình thương tất là bạn đang giận dữ, trầm hơn là bạn đang mệt mỏi,

nói nhát gừng cho thấy sự chán ghét… Khi vơi chồng trò chuyện, hãy nói nhẹ nhàng,

vui tươi. Điều này mang lại cảm giác êm ấm mỗi khi nghĩ về nhau. Có câu danh ngôn

này: “Một lời nói đáng yêu cũng giông như một ngày xuân”

            Hãy quyết tâm hãy nói khi đã bình tĩnh, suy nghĩ và tìm hiểu cặn kẻ. Còn khi nóng giận phải hoàn toàn kiềm chế. Vì lúc nóng giận lời nói rất dễ sai lầm, và một khi đã “Nhất ngôn xuất” thì “Tứ mã nan truy”. Một lời nói sai một ngôn từ xúa phạm, thì tai hại thật khó lường. Có cây dạy rằng: “Không ai căng buồm đang lúc trời giông tố”.

            Dù đã hết sức bình tĩnh, nhưng chưa thuận tiện, cũng đừng nói. Khi anh đang bừng bừng sát khí mà chị lại thanh minh thanh nga, thì đúng là “Thêm dầu vào lửa”. Hãy đợi cho “Sóng yên biển lặng” rồi chị rót vào tai anh ấy những “Lời ngọt ngào”  thì làm sao mà chẳng “Lọt đến xương”. Chắc chắn anh se hít thở được bầu khí trong lành của “Trời quang mây tạnh”. Những lời ngọt ngào lại pha chút hài hước vui tươi thì cơn giận nào mà chẳng tan biến đi.

                        “Chồng giận thì vợ làm lành,

                        Miệng cười hớn hở rằng anh giận gì,

                        Thưa anh, anh giận em chi?

                        Muốn lấy vợ bé thì em lấy cho”

Chuyện kể rằng, có hai vợ chồng tuổi đã cao mà vẫn cãi nhau như con nít. Một lần kia ông giận bà quá, mất cả bình tĩnh, cầm gậy đuổi bà chạy “Bán sống bán chết” . Cuối cùng bà đuối sức, nên bị dí vào chân tường. Hết đường thoát bà liền quay lại, miệng tươi như hoa, bà hổn hển: “Thế anh định đánh em thật đáy à” Ông cười phì và cơn giận tan biến tức thì.

                        “Bên thẳng thì bên phải chùng

                        Hai bên cùng thẳng sau cùng đứt dây”

3. Không nói những lời thừa thãi

Dù anh chị biết một vài điều gì đó liên quan đến người bạn đời của mình, cũng nên bỏ nó vào thùng và đạy kín lại. Đừng tỏ ra mình “Đi guốc trong bụng” người kia. Những lời nói đay nghiến, bẳn gắt, giận dỗi… tuyệt đối không nên thoát ra. Lỡ chân gượng được, lỡ miệng gượng không được.

                        “Lời nói chẳng mất tiền mua,

                        Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”

Chính vì “Lời nói đau hơn dao cắt” nên chúng ta hãy cẩn ngôn. Có lời khôn ngoan này “Hãy suy nghĩ nhanh nhưng chậm nói”.

Tương truyền rằng, khi còn làm thân phận nô lệ, triết gia Esope được chủ sai ra chợ mua món ăn ngon nhất. Ông mua toàn lưỡi heo đem về làm thức ăn. Người chủ lấy làm lạ, hỏi lý do. Ông đáp:

            - Lưỡi là chìa khoá tất những lý lẽ của sự thật, nhờ đó mà con người được địa vị cao sang, được nhiều người kính nể, trọng vọng!

            Muốn thử ông lần nữa, người chủ sai ông ra chợ mua cái gì xấu nhất và dở nhất về nấu, Lần này ông cũng mua toàn lưỡi heo. Người chủ ngạc nhiên hỏi tại sao mua lưỡi. Ông đáp:

            - Nếu nói cái quý thì không có gì bằng lưỡi nhưng tìm cái xấu thì không có cái gì xấu bằng nó. Chính cái lưỡi đã khiến cho con người ưa tranh luận, gây chia rẽ, vu cáo, nói những điều bất nhân bất nghĩa!

Anh chị thân mến!

            Có biết bao gia đình “Tan cửa nát nhà” cũng chỉ vì hơn thua nhau một lời nói. Nhưng cũng không thiếu những cặp vợ chồng sống với nhau “Đầu bạc răng long” mà vẫn nói chuyện với nhau ngọt ngào dịu dàng như thuở mới yêu. Thật quý hoá thay! Đáng ca ngợi lắm thay!

            Mong sao lời sách Huấn ca sau đây sẽ hiện thực trong gia đình anh chị: “Người vợ hiền là số tốt vận may dành cho những ai kinh sợ Chú. Người phụ nữ ít nói là quà Đức Chúa ban, không chi sánh bằng người có giáo dục” (Hc 26,3,14,)

            Chúc anh chị luôn biết khôn ngoan, sử dụng những lời nói yêu thương, dịu dàng vui tươi, để cuộc sống anh chị mãi mãi là mùa xuân hạnh phúc.

Thiên Phúc

 

 

ĐỌC SÁCH

 

VỤN VẶT SUY TƯ

 

 PHÁ DỄ NHƯ CHƠI

 

 

Xây dựng thì khó, nhưng phá thì dễ như chơi, đó là vấn đề lớn lao mà loài người không nên quên.

 

 1. Một nồi bún riêu thơm phưng phức. Hằng mấy chục người lao động mơ ước và thèm thuồng. Ong bà Tư thức dậy từ hai giờ khuya để chuẩn bị. Đó là sự sống của hai ông bà già và hai đứa cháu nhỏ. Mọi chuyện qua đi êm đềm suông sẻ. Bổng thằng cu tí làm rớt cái đèn cóc. Dầu hôi văng vào nồi bún. Thế là hết – thu nhập của ngày hôm ấy là con số không. Mấy chục dân lao động đang ngồi chầu hẩu bỗng bị hẵng. Chửi thề một câu rồi phủi quần đứng dậy. Hai con heo trong chuồng cũng không thưởng thức nổi nồi bún riêu hôi mùi dầu. Đành đổ xuống sông.

 

Chỉ một giọt dầu hôi, do một sự vụng về của thằng cu tí mà bao nhiêu người phải hớ, phải hẵng. Nguyên nhân và hậu quả chẳng tương xứng chút nào. Xây dựng thì khó, mà phá thì dễ như chơi. Nào có ai lường được điều ấy.

 

 2. Chiếc vỏ lãi có gắn máy đuôi tôm 11 ngựa, đưa ba hành khách vội vàng ra chợ. Ba khách là thằng cu tí và ông bà nội. Chiếc vỏ lãi đang chạy với tốc độ 26 cây số/giờ. Bỗng “khục” một cái. Chiếc vỏ lãi đứng lại. Tưởng máy hư. Ai ngờ… chỉ vì một bọc ni lông to bằng bàn tay, quấn vào chân vịt. Anh tài công quay láp ngược lại để gỡ, chân vịt đụng vào tổ ong vò vẽ. Một bầy ong lính bay ra. Ong già nhảy xuống sông. Bà già nhảy xuống sông. Thằng cu tí ngồi chịu trận. Hằng trăm mũi thuốc độc chích vào người thằng bé. Ai cấp cứu. Cứu không được. Đành chết.

 

Cái bọc nilông chỉ nhỏ bằng một bàn tay thế mà nó lại thắng được vòng quay chóng mặt của một động cơ mạnh tới 11 ngựa. Đó là công trình của một nhà khoa học thông minh, cộng với số vốn đầu tư trị giá hằng tỉ Mỹ kim. Nhưng cuối cùng là đầu hàng một miếng nilông nhỏ tí xíu, trôi vật vờ trên sông. Ay là chưa kể hệ quả của việc đầu hàng ấy là cái chết đau đớn của một đứa bé vô tội. Xây dựng thì khó như thế, mà phá hoại thì dễ như vậy.

 

 3. Một ông công chức hạng trung, thông minh và cần cù. Lương của ông chưa nhiều, nhưng uy tín của ông thì rất lớn. Ong cứ lên chức, lên chức mãi. Người ta tưởng ông sẽ ngoi lên tới tận chóp bu của cơ cấu hành chính, rồi sẽ đáp xuống thật êm, sống hạnh phúc những năm cuối cùng. Và sự thật thì ông dư khả năng để đạt được bấy nhiêu ước mơ.

 

Thế rồi bỗng ông làm đơn từ chức. Về nhà không dám nhìn vợ con. Ra đường không dám nhìn thiên hạ. Mà cũng chẳng dám ra đường mà đi nữa. Khổ hơn là chết. Hỏi tại sao nên nông nỗi ấy, thì báo chí trả lời là vì cái lá đa của cô thư ký. Việc nhỏ phá việc lớn, dễ như chơi.

 

 4. Gôliát cao ba mét, mặc áo giáp, đội mũ sắt, cầm đại đao, đứng sừng sững như một núi đá. Tưởng như bất khả xâm phạm, bách chiến bách thắng. Hắn ngạo nghễ thách đố cả một đạo quân Do Thái. Vua Xaun và chiến sĩ của ông run như cầy sấy.

 

Bỗng cái thân bồ tượng ba mét ấy đổ ầm xuống như một con voi chết bất đắc kỳ tử. Tưởng có một anh hùng hảo hán nào cưỡi ngựa, vung kiếm đã hạ thủ được hắn. Ai ngờ… hắn chết chỉ vì một hòn đá nhỏ hơn quả ổi, được tung đi từ một sợi chành của một thằng chăn trừu ăn chưa no, lo chưa tới. Một thằng chăn trừu hạ thủ một tên khổng lồ. Chuyện nhỏ phá chuyện lớn, dễ như chơi.

 

 5. Một người đàn bà mới sanh được ba tháng, xách làn đi chợ. Bước đi nhẹ nhàng, ánh mắt từ tốn. Khách đi ngược chiều ai cũng nhường bước.

 

Bỗng.. ầm một cái. Siêu thị sập. Người chết hàng trăm. Tiếng khóc ai oán. Thịt máu vương vãi. Một nỗi kinh hoàng bao trùm thành phố. Học sinh không dám đến trường. Công nhân không dám đi làm. Tín  đồ không dám đi lễ. Một thành phố chết…

 

Tất cả đều bắt đầu từ một trái mìn dấu trong cái làn đi chợ của người đàn bà mới sanh ba tháng ấy. Bà âm mưu tự sát, bỏ lại đứa con ba tháng. Không ai hiểu được lòng dạ con người. Và chính lòng dạ bí ẩn ấy của con người đang quyết tâm phá đổ nền văn minh kỹ thuật hiện đại. Phá được không? Có thể, vì xây dựng mới khó, còn phá thì dễ như chơi. Quả vậy:

 

Nền văn minh kỹ thuật hiện đại này là một cỗ máy khổng lồ. Hằng trăm hàng ngàn linh kiện cùng hoạt động một lúc một cách rất nhịp nhàng đến độ như hoàn hảo tuyệt đối. Nhưng… chỉ một cái đinh ốc nhỏ trục trặc thì cả guồng máy ấy phải ngưng hoạt động.

 

Một người đàn bà dám bỏ chồng và đứa con ba tháng để đi đánh bom tự sát làm điêu đứng sinh hoạt của một thành phố. Và hiện nay trên thế giới có bao nhiêu người đàn bà như thế? Không phải chỉ có một trăm, một ngàn người muốn làm và dám làm như vậy, mà phải nói là trùng trùng điệp điệp.

 

Như vậy thì nền văn minh hiện đại này đang bị đe dọa. Nó có thể bị sụp đổ và con người lại trở về đời sống man dã ngày xưa. Điều đó có thể xảy ra được không? Tại sao không? Vì xây dựng thì khó, còn phá thì dễ như chơi.

 

Ai Cập đã có một nền văn minh rất cao. Nền văn minh ấy chỉ còn lại chứng tích. Nó đã sụp đổ. Những nền văn minh khác cũng sụp đổ. Rồi sẽ có những nền văn minh mới sụp đổ.

 

Người ta phải làm gì để duy trì một nền văn minh? Cụ thể là nền văn minh này mà anh em Hồi giáo bảo là nó đi sai ý của Chúa (Alah). Họ bảo nền văn minh kỹ thuật này là kẻ thù số 2 của họ. Họ phá được không? Tại sao không?

 

 

Lm. Piô NGÔ PHÚC HẬU